Trong lịch sử thơ ca, người ta thấy có hiện tượng luân chuyển giữa thơ dài và thơ ngắn. Ở Việt Nam, thời trung đại cùng lúc tồn tại các thể thơ dài như truyện thơ nôm, ngâm khúc, hát nói, bài ca… và thể thơ ngắn như Đường luật; trong đó, ngắn nhất là tứ tuyệt thất ngôn, ngũ ngôn. Đến thời hiện đại, để phá vỡ thể thơ Đường luật hàm súc đến thành vón cục, các nhà Thơ Mới phải đưa chất văn xuôi vào thơ nhằm phá vỡ cú pháp đối xứng, và do đó tạo ra thể thơ vắt dòng dài hơi hoặc móc nối các khổ bốn câu thành bài thơ, về khía cạnh lý thuyết có thể dài đến vô tận. Thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thơ bị/được sử thi hóa làm tiền đề xuất hiện thể trường ca, truyện thơ. Sau đó thì thể thơ tự do đã vượt qua những nghi kỵ xã hội để lên ngôi. Hiện nay, một khi thơ dài lên đến thiên đỉnh thì bắt đầu xuất hiện xu hướng thơ ngắn nhằm tạo ra sự đồng tồn dài ngắn, hoặc luân chuyển thơ dài thành thơ ngắn.
Người đầu tiên thể nghiệm thơ ngắn, đúng hơn cực ngắn là Đoàn Văn Chúc: thơ một chữ (ví dụ: tên bài thơ là Vợ chồng, nội dung Xong, bình luận thơ Trần Dần: Mớ bòng bong ấy thế mà xong!) Trần Dần làm thơ mini, tức thơ một câu (ví dụ: Mưa rơi không cần phiên dịch). Lê Đạt làm thơ Haikâu gợi nhớ đến thơ Hài cú, Haiku của Nhật Bản. Sau khi múa bút tung hoành câu chữ khắp thiên hạ, Mai Văn Phấn lui về Hải Cốc làm thơ ba câu. Tập Thả của anh gồm mấy trăm bài thơ tam cú. Gần đây, Trần Quang Quý có tập thơ namkau… Nằm trong xu hướng đó, Hồ Thế Hà năm 2015 có tập thơ ngắn Tơ sương, còn trong năm nay, 2024, là tập Thẳm xa.
Thẳm xa của Hồ Thế Hà gồm 160 bài thơ tam tuyệt, trong đó, thỉnh thoảng có bài tứ tuyệt, bài hai câu và bốn phụ bản rất đẹp của Nguyễn Phước Hải Trung. Viết thơ ngắn, nhà thơ thức nhận là để “thể hiện những hiện thực buồn vui từ cuộc sống và ân nghĩa quanh cuộc đời của tôi. Những cảm xúc và suy nghĩ về từng vấn đề và đối tượng, tôi cố gắng cấu trúc dồn nén trong mỗi khổ thơ 2,3,4 câu, chủ yếu là ba câu ngắn, có khi được cắt từ một câu thơ thành nhóm ngữ điệu 2,3,4 từ”. Nhà thơ tuân thủ cấu trúc này cho toàn tập thơ:
Niềm vui không cầm được
Nỗi buồn cứ theo sau
Thơ lập phương sự sống.
(Lặng lẽ)
Tiếp nối kiểu tư duy thơ độc đáo của Tơ sương, ở tập Thẳm xa này, Hồ Thế Hà cố gắng phát triển tư duy nghệ thuật thơ một cách mới lạ hơn. Trước đây, người ta thường tách rời nội dung và hình thức, coi hình thức là cái vỏ bao chứa nội dung, phụ thuộc vào nội dung, và do đó không quan trọng bằng nội dung. Từ đó, thơ bị rơi vào tình trạng suy kiệt về nghệ thuật. Ngày nay, người ta thấy rằng nội dung và hình thức là thống nhất và không thể tách chia. Để làm rõ điều này, người ta chia nội dung thành nội dung của nội dung và nội dung của hình thức; chia hình thức thành hình thức của hình thức và hình thức của nội dung. Nội dung của nội dung thực chất chỉ là tài liệu, hình thức của hình thức chỉ là vật liệu. Hai cái này không có tính nghệ thuật. Chỉ nội dung của hình thức và hình thức của nội dung mới chính là nghệ thuật. Trong thơ, hình thức và nội dung chính là chữ và nghĩa, chữ sinh ra nghĩa. Ý thức được điều này, thơ ngắn Hồ Thế Hà đã nâng được tư duy nghệ thuật thơ của mình lên một cấp bậc mới:
Tôi dậy sớm mỗi ngày
Thơ cùng tôi gọi chữ
Chữ tạo sinh nghĩa
(Thơ)
Khi ngôn ngữ hiện sinh tư tưởng
Tứ thơ lần tách bỏ trong ngôi nhà tâm hồn
Mọi tín hiệu được đánh thức!
(Tứ thơ)
Thơ ngắn thì ít chữ, mà ít chữ thì làm sao để có được nhiều bóng chữ. Trong Thẳm xa, Hồ Thế Hà muốn cho một chữ phải cùng lúc phát ra nhiều bóng chữ. Ông đã sắp xếp làm sao để quanh mỗi con chữ có nhiều tấm gương – chữ khác như có nhiều hình chiếu trong ngôi nhà kính vạn gương. Đó là việc xây dựng các hình tượng, biểu tượng thơ để lời ít ý nhiều, thậm chí ý ngoài lời, ý không lời. Đó là các biểu tượng có tính triết lý, triết học. Xin đơn cử một vài bài để minh chứng cho kiểu tư duy thơ ngắn của Hồ Thế Hà:
Mảnh vỡ ngược xuôi
Nhặt không ghép được
Chia tay bùi ngùi
(Mảnh vỡ)
Xa thẳm không gian
Thẳm xa thời gian
Thăm thẳm cùng nhau về gọi cửa
(Thẳm xa)
Hồ Thế Hà là người đa tài. Ông là một nhà giáo nhiệt tâm. Một nhà lý luận phê bình hăng hái. Một nhà thơ tài hoa. Riêng về thơ, đến nay Hồ Thế Hà đã có 8 tập xuất bản. Đường thơ của ông đi từ thơ dài đến thơ ngắn. Ngày một tối giản hơn. Hy vọng một ngày nào đó, ông sẽ làm thơ một chữ (monomot). Mỗi bài thơ chỉ là một con chữ, chữ – nguyên tử, ẩn chứa một năng lượng có sức nổ của một Bigbang.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/ho-the-ha-duong-tho-toi-gian-147347.html