Doanh nghiệp tham gia ký cam kết triển khai kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa cấp cơ sở

Gắn kết doanh nghiệp

Mới đây, 5 khách sạn, 1 tour du lịch tại Huế đã cùng ký cam kết triển khai hoạt động giảm RTN cấp cơ sở để thực hiện lộ trình giảm thiểu RTN ngành du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 – 2025.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Sở đã ban hành kế hoạch về giảm thiểu RTN giai đoạn 2023 – 2025 nhằm phối hợp với dự án WWF – Việt Nam và Hiệp hội Du lịch triển khai các nhiệm vụ, với mong muốn sẽ đóng góp tích cực và hiệu quả cho định hướng chung của tỉnh cũng như ngành du lịch về tăng trưởng kinh tế xanh. Kế hoạch thành công hay không đều nhờ vào sự chung tay hành động của mỗi một người dân, du khách, DN, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ… Đặc biệt, sự cam kết và chủ động của DN sẽ tạo ra hiệu ứng, hiệu quả để hướng đến mục tiêu giảm RTN.

Thời gian qua, ngành du lịch địa phương phối hợp với dự án WWF – Việt Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp để giảm RTN, trong đó có công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong ngành du lịch. Vận động, theo dõi các đơn vị triển khai thực hành các giải pháp giảm RTN tại các khách sạn, đơn vị lữ hành và điểm du lịch; kế hoạch giảm nhựa tại các khách sạn. Theo đại diện Sở Du lịch, qua các chương trình tập huấn, đến nay tại Huế đã có 12 khách sạn đăng ký thí điểm về lập kế hoạch, triển khai và theo dõi hành động giảm nhựa.

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty CP&DV Du lịch HueTourist cho biết, năm 2023, Hiệp hội Du lịch đã phối hợp với dự án WWF – Việt Nam lựa chọn tour và đơn vị tham gia thực hiện tour không dùng đồ nhựa một lần, thống nhất triển khai điểm du lịch Lương Quán – Nguyệt Biều trở thành một trong những điểm đến được lựa chọn thí điểm và mở lớp tập huấn chuyên sâu cho các hộ gia đình, cá nhân, đơn vị lữ hành tại điểm du lịch này.

Sau khi được tập huấn, thực hiện thí điểm giảm RTN, đến tháng 12/2023, điểm du lịch Lương Quán – Nguyệt Biều đã có 16 điểm vệ tinh trong địa bàn tiên phong tham gia và đã được ra mắt. Đến tháng 9/2024, đã hình thành 4 tour giảm RTN được vận hành của 4 công ty lữ hành trên địa bàn, gồm: Hue Vacation, Restour, Du lịch An Phú và Du lịch Long Mã.

Đại diện nhà hàng An Nhiên Garden nhìn nhận, muốn phát triển du lịch bền vững, chuyện RTN và bảo vệ môi trường là tất yếu và DN không đứng ngoài cuộc. “Chung tay với ngành du lịch tỉnh, An Nhiên Garden phát triển mô hình ẩm thực du lịch bền vững, thân thiện với môi trường. Chúng tôi sử dụng túi và các công cụ, dụng cụ nhà hàng làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, cấp túi đi chợ cho nhân viên thu mua và khuyến khích không mang túi nilon về nhà hàng, góp phần ngăn chặn đầu vào của rác khó xử lý. Với du khách, nhà hàng hướng dẫn khách sử dụng nguyên liệu hiệu quả, tránh lãng phí”, đại diện An Nhiên Garden chia sẻ.

 Điểm du lịch ở Thủy Biều vừa phục vụ khách vừa hướng dẫn, trao đổi khách về giảm rác thải nhựa trong du lịch

Hướng đến mục tiêu chung

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, cuối năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Do đó, nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm mà tỉnh đang tập trung triển khai trong các lĩnh vực, trong đó có du lịch.

Thực tế, công tác triển khai thực hiện giảm RTN vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Đầu tiên là khó khăn về thay đổi, chuyển biến từ nhận thức thành hành động của các bên liên quan (DN, du khách, người dân…) trong hệ sinh thái du lịch. Bên cạnh đó, từ cấp Trung ương và địa phương vẫn chưa có cơ chế, chính sách lớn để tạo động lực thúc đẩy các DN du lịch – dịch vụ, điểm đến tham gia vào quá trình thực hành giảm thiểu RTN. Thời gian hỗ trợ của Dự án WWF – Việt Nam triển khai 3 năm và hiện chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ kết thúc. Vì vậy, việc hỗ trợ cho các DN du lịch – dịch vụ, điểm đến sẽ giảm dần và kết thúc, các DN sẽ phải tự nỗ lực để duy trì thực hiện.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch và các DN, điểm tích cực là nhận thức được việc giảm thiểu RTN là một trong những xu hướng cần thiết để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm nên DN ngày càng chú ý hơn vấn đề này. Nhiều DN cũng lan tỏa việc bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị các tài nguyên…

Theo ông Phúc, để tiếp tục tạo được hiệu quả, Sở Du lịch phối hợp các đơn vị tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong ngành du lịch. Tiếp tục vận động, theo dõi các đơn vị triển khai thực hành các giải pháp giảm RTN tại các khách sạn, đơn vị lữ hành và điểm du lịch. Bên cạnh đó, sẽ tập trung xây dựng, đưa vào hoạt động các tour du lịch, các điểm đến du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngoài ra, sẽ liên kết và tăng cường xây dựng hoạt động cho nhóm đối tác hành động giảm nhựa thành phố Huế.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC