Thành phố Huế nhìn từ trên cao ngập tràn màu xanh của cây lá. Ảnh: Đình Hoàng |
Trò chuyện với du khách về phong trào Ngày Chủ nhật xanh của Huế, nhiều người dành lời khen cho Huế về việc duy trì một phong trào rất ý nghĩa. Thế nhưng, cũng có người góp ý: “Phong trào chủ yếu đang phát huy và kêu gọi sự chung tay của người dân. Nếu có một mô hình nào đó để du khách có thể hòa mình gắn hoạt động du lịch tại Huế, hẳn sẽ nhân thêm ý nghĩa”.
Đại diện một doanh nghiệp du lịch chia sẻ, Huế từng có tour chèo sup nhặt rác trên sông Hương, nhưng chưa duy trì đều đặn và tạo được sức hút. Để tạo ra được nhiều giá trị, vừa để du khách chung tay bảo vệ môi trường, vừa tạo sự hứng thú cho chuyến du lịch và kích thích họ quay trở lại, vẫn cần thêm những cách làm mới. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đặt ra một câu hỏi, cũng là gợi mở về một ý tưởng hay: “Tại sao không bố trí một không gian cho khách trồng cây mang lại dấu ấn cuộc đời?”.
Không gian cho khách trồng cây với Huế là một ý tưởng thú vị và khả thi. Ở đó, du khách được bố trí sẵn những cây giống, họ tự tay trồng, gắn bảng tên mình vào cây. 5-10 năm sau hoặc có dịp quay lại, họ sẽ tìm đến cây mình từng trồng để xem lại “dấu ấn cuộc đời”. Không những thế, các thế hệ con, cháu của họ cũng có thêm lý do để đến Huế và trở lại Huế. Ý tưởng này mang lại nhiều giá trị. Đầu tiên là tăng thêm ý nghĩa cho hành trình du lịch đến thành phố xanh, khi du khách là những người chung tay bảo vệ môi trường. Tham gia vào hoạt động này, du khách cũng tạo sự ghi nhớ và kích thích họ có mong muốn quay trở lại, ngắm nhìn thành quả của mình, tự hào khoe với người thân, bạn bè cây ở Huế do mình trồng. Điểm quan trọng để mô hình này có thể thực hiện được là phải tìm được quỹ đất đủ rộng và phải có giải pháp để chăm sóc, bảo vệ.
Dịp 2/9 vừa qua, tôi có dịp trò chuyện với nhiều du khách. Khi đề cập đến ý tưởng không gian cho khách trồng cây, phần đông du khách đều ủng hộ. Chị Ngô Ngọc Thái Châu, đến từ Vũng Tàu chia sẻ: “Nếu Huế làm được ý tưởng đó, tôi đến Huế chắc chắn sẽ tham gia. Việc làm này không chỉ là trồng một cây xanh, mà còn lan tỏa giá trị cho con cái về bảo vệ môi trường, làm được những việc ý nghĩa”. Anh Nguyễn Văn Cảnh, du khách từ Nghệ An thì cho rằng: “Du khách sẽ không ngại bỏ ra số tiền nhỏ để trồng cây ghi dấu ấn cuộc đời. Và đối với một thành phố du lịch như Huế, cách làm ấy sẽ góp phần quảng bá du lịch. Chỉ riêng những bức ảnh mà du khách chụp lại và đưa lên mạng xã hội, đã làm cho mọi người thêm yêu Huế”.
Du khách trải nghiệm đạp xe dưới bóng cây ở làng cổ Phước Tích |
Ở Việt Nam, xu hướng du lịch gắn với bảo vệ môi trường đang rất được đón nhận. Đơn cử như khi tỉnh Bến Tre thí điểm tour du lịch mới mang tên “Net Zero tours Bến Tre”, được nhiều du khách đánh giá cao. Ở mô hình đó, trong quá trình du lịch, du khách được hướng dẫn cách đo lường và tính toán lượng phát thải đã tạo ra trong suốt chuyến trải nghiệm, sau đó cùng nhau thực hiện bù đắp thông qua các hoạt động như trồng cây bần, cây đước… bù đắp phát thải carbon khi tham gia tour du lịch này.
Ngay tại Huế, cách đây 2 năm, trong chương trình giải trí “2 ngày 1 đêm”, các nghệ sĩ nổi tiếng sau khi trải nghiệm các trò chơi, hoạt động đã tham gia thử thách trồng cây gây rừng tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. Nghệ sĩ Trường Giang lúc đó đã chia sẻ: “10 năm sau chúng ta trở lại sẽ thấy vườn cây này rất to. Lúc đó sẽ dẫn con cháu theo và tự hào rằng ba trồng đó con…”. Xem chương trình, rất nhiều khán giá đã bày tỏ dưới phần bình luận sự thích thú, ấn tượng với hoạt động này.
Nhắc đến “Net Zero tours Bến Tre” hay thử thách trồng cây của các nghệ sĩ ở chương trình “2 ngày 1 đêm” để thấy, nếu có thể kết nối được hoạt động trồng cây như một trải nghiệm bổ ích trong hành trình du lịch, chắc chắn sẽ mang lại thêm nhiều trải nghiệm, giá trị mà không ít du khách mong muốn.
Lâu nay, nhiều du khách công nhận Huế đang thuộc “top” đầu cả nước quan tâm đến chuyện bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh – sạch – sáng. Bên cạnh phong trào của địa phương, các doanh nghiệp cũng hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch hướng đến bảo vệ môi trường và sự ra đời của mô hình tour Thủy Biều – Định hướng giảm rác thải nhựa là một điển hình. Huế đã làm rất tốt việc xây dựng một thành phố xanh. Nhưng có lẽ, cùng với vai trò của chính quyền địa phương và người dân, để du khách cũng “xắn tay” góp sức để Huế thêm xanh là một việc làm ý nghĩa. Từ những cây được trồng, du khách cũng gieo thêm tình yêu với Huế và có được lý do để nhiều lần quay trở lại Huế.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/du-lich/du-khach-dong-hanh-cung-thanh-pho-xanh-145757.html