Huế có nhiều lễ hội mang tính truyền thống tổ chức hằng năm được du khách khắp nơi biết đến. Nhưng để tạo sự ấn tượng và thu hút du khách đến với lễ hội của Huế, ngoài khâu tổ chức, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn chính là yếu tố quyết định.
Lễ hội Điện Huệ Nam “hút” khách gần xa
Trong 3 ngày từ 11 – 13/8/2024 (nhằm ngày 08 – 10/7 âm lịch) sắp tới, lễ hội Điện Huệ Nam tháng 7 âm lịch sẽ được tổ chức. Quy mô lễ hội lần này dự kiến thu hút số lượng người tham gia rất lớn, khoảng 20.000 – 30.000 người, trong đó có rất nhiều du khách thập phương.
Chị Lê Ngô Thu Trang (quê ở Quảng Bình) chia sẻ: “Năm nào vào 2 lần lễ hội mình cũng về Huế. Lễ hội Điện Huệ Nam là lễ hội mang tính tâm linh, truyền thống. Mỗi lần đi, cả gia đình mình cùng vào Huế để vừa tham gia lễ hội, sau đó kết hợp tham gia các hoạt động lễ hội, vừa du lịch các điểm đến ở Huế”.
Lễ hội Điện Huệ Nam được biết đến là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được cử hành vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm. Mỗi lần tổ chức, lễ hội luôn thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu với hàng vạn lượt người đến tham dự. Đây cũng được xem là một Festival văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô. Bên cạnh lễ rước Thánh bằng thuyền truyền thống, lễ hội đã tái hiện và xây dựng một carnival dân gian hấp dẫn, thể hiện nét độc đáo của những trang phục xưa đầy màu sắc, kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ.
Theo ban tổ chức lễ hội, hình thức tín ngưỡng này được duy trì tổ chức định kỳ hàng năm không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản gắn với di tích, mà còn đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận, đồng thời thu hút khách du lịch đến với Huế.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thông tin, lễ hội lần này dự kiến số bằng là 50, số án là 15 và thuyền hậu cần. Đoàn cung nghinh đường sông xuất phát lúc 6 giờ 30 phút ngày 11/8/2024 (tức ngày 08/7 âm lịch) từ 352 Chi Lăng lên Điện Huệ Nam. Trên đường di chuyển, có dừng lại cáo lễ trước Chùa Thiên Mụ. Trong 3 ngày diễn ra, sẽ có rất nhiều nghi lễ, trong đó một trong những lễ chính là cung nghinh Thánh mẫu và Hội đồng vào Chánh Điện Huệ Nam. Ban tổ chức đánh trống khai hội và tiến hành lễ Cáo Yết, sau đó là lễ dâng hương, lễ cầu nguyện và nhiều nghi lễ quan trọng khác.
Quy mô lễ hội lớn, do đó công tác tổ chức lễ hội Điện Huệ Nam tháng 7 năm nay được tổ chức từ rất sớm, có sự phối hợp giữa nhiều ban, ngành, địa phương. Ngoài vai trò chính từ Sở Văn hóa và Thể thao trong việc chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức lễ hội đúng theo đúng nội dung, nghi lễ truyền thống và các quy định của pháp luật hiện hành thì các ngành, đơn vị, địa phương tùy chức năng, nhiệm vụ cũng phối hợp đảm bảo công tác tổ chức được hiệu quả.
Trong đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng và triển khai phương án, huy động lực lượng, phương tiện, bảo vệ an toàn tài sản, hiện vật, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường tổ chức lễ hội tại khu vực di tích thuộc quản lý của trung tâm.
UBND TP. Huế thực hiện phân luồng và đảm bảo an ninh trật tự, giao thông và cắm biển chỉ dẫn đường bộ, đường sông trong thời gian diễn ra lễ hội. Sở Du lịch phối hợp với ban tổ chức lễ hội triển khai công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những hình ảnh về các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ lễ hội Điện Huệ Nam nhằm thu hút người dân, du khách tham gia. Xây dựng các tour du lịch tâm linh, đặc biệt là trong thời gian diễn ra lễ hội…
Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch cho biết, để đảm bảo lễ hội diễn ra đúng kế hoạch và người dân cũng như du khách thập phương yên tâm hòa mình vào tham gia lễ hội, Thanh tra Sở Du lịch phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao cùng lực lượng chức năng các ngành cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong trong lĩnh vực du lịch và hoạt động lễ hội; Xử lý kịp thời, ngăn chặn các hoạt động tiêu cực len lỏi trong lễ hội, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, bảo vệ giá trị di sản.
Tạo ấn tượng để “hút” khách
Bên cạnh lễ hội Điện Huệ Nam, Huế có nhiều lễ hội được tổ chức trải dài từ đầu năm đến cuối năm, trong đó những lễ hội mang yếu tố tâm linh thường thu hút rất đông người dân và du khách thập phương tham gia. Ngoài các sinh hoạt mang tính tâm linh, du khách đến Huế tham gia lễ hội cũng mong muốn có những trải nghiệm du lịch và đó là cơ hội để ngành “công nghiệp không khói” ở Cố đô phát triển.
Thực tế, du lịch nói chung, du lịch lễ hội nói riêng không chỉ cần vai trò trách nhiệm của ngành du lịch hay đơn vị tổ chức mà cần sự hợp lực của rất nhiều ngành, địa phương, trong đó có nhiều sở, ngành, lực lượng công an, ban an toàn giao thông… Mỗi đơn vị, tùy theo chức trách, nhiệm vụ đều góp phần xây dựng thành công cho lễ hội và an toàn cho người tham gia lễ hội. Bên cạnh đó, mỗi người dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cũng là những yếu tố quan trọng góp phần tạo ấn tượng cho du khách.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất của bất cứ lễ hội nào đó chính là sự đóng góp của cộng đồng. Vai trò của cộng đồng trong việc thực hành lễ hội là rất quan trọng. Ban tổ chức các lễ hội phải nghiên cứu cách tổ chức phù hợp để các lễ hội trở thành nơi mọi người cùng nhau sinh hoạt trong một khoảng thời gian nhất định mới tạo ra bản chất của lễ hội.
Ngoài khâu tổ chức và đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh, hấp dẫn, để thu hút du khách đến Huế trải nghiệm du lịch lễ hội, cần hình thành các sản phẩm lễ hội, bên cạnh đó, một số lễ hội phải thay đổi cách thức tổ chức, cần có sự tương tác, tăng thêm nhiều giá trị trải nghiệm cho du khách.
Để phát triển du lịch lễ hội, cần lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách. Các lễ hội này cần được lựa chọn căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời, căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội, khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn tỉnh để hình thành các tour du lịch.
Điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội đến với du khách. Bên cạnh đó, nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; Kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; Tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, lễ hội là sản phẩm độc đáo của du lịch, tạo nên môi trường trải nghiệm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Lễ hội còn là một sản phẩm đặc biệt mang lại giá trị kinh tế cao, là điều kiện thuận lợi để giới thiệu, truyền bá những đặc sắc văn hóa của vùng miền cho du khách trong và ngoài nước. Do vậy, cần chú ý việc khai thác giá trị văn hóa trong lễ hội truyền thống phải gắn với phát triển du lịch bền vững…
Thời gian đến, ngành du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương để phát huy hơn nữa sản phẩm được đánh giá có thế mạnh này, quan tâm hỗ trợ kết nối của doanh nghiệp để xây dựng các tour tuyến phù hợp với từng lễ hội.