GS Cao Huy Thuần (1937-2024) |
Lễ tưởng niệm do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cùng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế tổ chức trong không khí trang nghiêm theo nghi thức truyền thống. Sau đó, mọi người cùng dâng hương lên hương án của GS Cao Huy Thuần được thiết trí phía trước chánh điện Tổ đình Từ Đàm.
Tại lễ tưởng niệm, Hòa thượng Thích Hải Ấn – Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đã điểm lại tiểu sử của GS Cao Huy Thuần trong niềm thương tiếc của mọi người đến dự.
GS Cao Huy Thuần quy y Tam bảo và được cố Đại lão Hòa thượng Lương Bật ban pháp danh là Tâm Bồ (trong ý nghĩa Bồ-đề-kiên-cố). Ông sinh năm 1937, tại Quảng Ngãi, nguyên quán làng Thế Chí Đông, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1955, ông theo học Đại học Luật Sài Gòn (niên khóa 1955-1960), sau đó giảng dạy tại Viện Đại học Huế (từ năm 1962 đến 1964). Trong thời gian này, ông cùng giới trí thức tham gia phong trào tranh đấu trong Pháp nạn Phật giáo 1963 bùng nổ tại Huế.
Đầu năm 1964, một nhóm giáo chức Viện Đại học Huế gồm Cao Huy Thuần, Tôn Thất Hanh, Lê Văn Tuyên… họp nhau để rồi kết quả là tờ báo Lập Trường mà ông là Tổng Thư ký tòa soạn. Cuối năm này, ông du học tại Pháp và đến năm 1969 thì nhận bằng tiến sĩ Chính trị học tại Đại học Paris với luận án: “Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857-1914”, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Ông là GS của Đại học Picardie, sau đó làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie cho đến ngày nghỉ hưu.
Đông đảo Tăng Ni, giới trí thức và thân nhân gia đình GS Cao Huy Thuần đã tham dự lễ tưởng niệm GS Cao Huy Thuần |
GS Cao Huy Thuần đã dừng hơi thở cuối cùng nhẹ nhàng trong tiếng niệm Phật của chư Tăng và thân nhân vào 23 giờ 26 phút ngày 7/7/2024 (nhằm mùng 2/6/Giáp Thìn) giờ địa phương Paris.
GS Cao Huy Thuần là tác giả của nhiều công trình bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với bạn đọc Việt Nam, ông còn là một trong những tác giả được yêu mến với nhiều đầu sách, bài viết, thuyết trình mang ý nghĩa tư tưởng, văn hóa, văn chương lịch lãm, đi vào lòng người.
Năm 2017, ông được Quỹ Phan Châu Trinh trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh, hạng mục giải Vì sự nghiệp văn hóa – giáo dục “vì những đóng góp to lớn và sâu sắc cho sự nghiệp văn hóa và giáo dục Việt Nam”.
Nguồn: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/le-tuong-niem-gs-cao-huy-thuan-tai-to-dinh-tu-dam-143144.html