Thật khó có thể phân tích hết những đặc điểm văn hóa, du lịch của vùng đất Cố đô trong khuôn khổ một bài viết nên trong bài này, chúng tôi chỉ có thể đề cập đến một khía cạnh thể hiện yếu tố “đặc sắc” của Huế. Đó là hệ thống tài nguyên du lịch rất phong phú.
Huế không chỉ có các bãi biển đẹp, cát trắng, nước trong xanh như Lăng Cô, Cảnh Dương hay hệ đầm phá Tam Giang. Huế còn có một hệ thống sông ngòi, kênh rạch trải dài toàn tỉnh như sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Truồi… nơi có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa chất lượng cao kết hợp du lịch biển, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng. Hệ thống núi đồi của Huế cũng rất phong phú đang trở thành những điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi đặt chân đến đất Cố đô, đó là núi Bạch Mã, núi Ngự Bình, núi Kim Phụng, đồi Vọng Cảnh, đồi Thiên An… Hệ thống các bãi biển, sông ngòi, đồi núi tạo ra sự khác biệt của Huế so với các vùng du lịch khác.
Bãi biển Cảnh Dương mang vẻ đẹp hoang sơ, bãi cát trắng mịn, nước trong xanh quang năm. Ảnh: thuathienhue.gov
Sức hút của Vịnh Lăng Cô
Vịnh Lăng Cô thuộc địa phận của thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vịnh có chiều dài khoảng 42,5 km, cách trung tâm thành phố Huế hơn 60 km và cách thành phố Đà Nẵng gần 25 km. Vịnh nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân. Theo kinh nghiệm du lịch Lăng Cô của những người từng đến đây thì nơi này thực sự là “chốn bồng lai tiên cảnh”.
Vịnh Lăng Cô nhìn từ trên cao. Ảnh: thuathienhue.gov.vn
Thực vậy! Vịnh Lăng Cô Huế là địa điểm du lịch lý tưởng dành cho những du khách yêu thích vẻ đẹp lãng mạn, bình yên của những bãi cát trắng mịn trải dài bên biển nước mênh mông, trong xanh và mát lành. Nơi đây dường như là địa điểm hội tụ tất cả những gì hoàn mỹ nhất, từ núi non hùng vĩ, bãi cát trắng trải dài, cho đến biển xanh mênh mông và nắng vàng lung linh, ấm áp.
Gọi là bãi biển Lăng Cô hay vịnh biển Lăng Cô đều có nét riêng của nó, vì trong vịnh có biển. Nằm lọt thỏm giữa nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, một bên là đèo Hải Vân, một bên là đèo Phú Gia, Lăng Cô hiện lên là một cồn cát tuyệt đẹp. Vào những ngày cuối thu, biển Lăng Cô đắm chìm trong làn sương mờ ảo. Chiều tối, khi hoàng hôn buông xuống, từng đàn cò trắng kéo nhau bay rợp trời về vùng đầm Lập An để ngủ.
Bãi biển Lăng Cô từ lâu đời đã trở thành bãi biển nổi tiếng với sự hội tụ của tất cả những gì tuyệt vời nhất. Bờ biển chạy dài đến gần 10km làm cho du khách thấy mình thật nhỏ bé, con đường biển cũng chạy dài sâu hút đến tận cuối chân trời.
Vịnh Lăng Cô – Hải Vân – Non Nước được xem là cụm du lịch có phong cảnh và điều kiện tự nhiên thuộc top đẹp nhất Việt Nam. Năm 2019, Worldbays đã bình chọn Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Nơi đây hội tụ đủ những gì được cho là hoàn mỹ nhất, từ bờ cát trắng trải dài, làn nước trong xanh, núi non hùng vĩ cho đến khí hậu ôn hòa.
Hệ phá Tam Giang lớn nhất Đông Nam Á
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 30 km, đi xuôi từ biển Thuận An về Quảng Trị, Phá Tam Giang nằm trong hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Đầm phá nước lợ được xem là lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Với diện tích khoảng 52 km2, từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương; Phá Tam Giang mê hoặc du khách muôn nơi bởi vẻ đẹp hoang sơ của những làng chài cùng quang cảnh trữ tình của những đầm hải sản, nhất là khi trời chiều dần buông, khung cảnh nhuốm màu hoàng hôn.
Nếu có dịp đến phá Tam Giang, bạn sẽ bất ngờ trước sự rộng lớn của đất trời nơi đây, xứng danh là một trong những con phá lớn nhất Đông Nam Á. Tam Giang cũng là nơi tập trung nhiều chim sâm cầm, cò, vạc, ngỗng trời, vịt trời… Chúng đông đến trắng cả mặt nước, cùng với phong cảnh góp sức vẽ nên khung cảnh nên thơ mà cũng hết sức sống động, náo nhiệt nhưng không hề xô bồ mà là những thanh âm trong trẻo của thiên nhiên. Du khách đến thăm phá Tam Giang có thể thuê thuyền xuôi theo dòng nước rồi thả hồn mình vào giữa khung cảnh thiên nhiên để cảm nhận rọn vẹn một vùng trời nước đã từng đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ khắp cả nước.
Đến với vùng đầm phá Tam Giang, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ ảo của đầm phá rộng lớn mênh mông trong ánh bình minh bắt đầu một ngày mới mà còn được chiêm ngưỡng sự ưu đãi của thiên nhiên dành tặng cho nơi này lúc chiều tà, nhất là khi những tia nắng cuối cùng của một ngày dài còn sót lại trên mặt nước lung linh.
Khu du lịch sinh thái Đầm Chuồn
Cách trung tâm thành phố Huế 6 km, Đầm Chuồn ở phía Đông Bắc xã Phú An, huyện Phú Vang, là một trong những hệ thống đầm phá quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là đầm nước lợ trong hệ thống đầm phá Tam Giang nổi tiếng với vẻ đẹp bình yên, sông nước bao la, cùng với những đặc sản hấp dẫn với giá thành hết sức bình dân. Thiên nhiên Đầm Chuồn tuyệt vời hơn vào mỗi sáng sớm và buổi chiều tà với những mảng màu đa sắc đỏ, vàng, tím những chiếc thuyền nhỏ lững lờ giữa sông nước bao la, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Nơi đây là nguồn cảm hứng bất tận, là đề tài thú vị lôi cuốn đối với các nhiếp ảnh gia nổi tiếng, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, ăn uống và nghĩ dưỡng. Hoạt động kinh doanh dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.
Đầm Chuồn là điểm check in ưa thích của giới trẻ. Ảnh: thuathienhua.gov.vn
Điểm đặc biệt khiến khu vực này có sức cuốn hút du khách là hệ thống nhà chòi nổi. Du khách có thể ngắm vẻ đẹp sông nước bao la, thơ mộng của Đầm Chuồn với những căn nhà chòi nổi, đồng thời có thể đánh bắt thủy sản trên Đầm Chuồn bằng ngư lưới của những hộ dân nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm chèo thuyền miễn phí trên đầm phá Tam Giang rộng lớn, thơ mộng, trải nghiệm ngắm hoàng hôn cùng với những bức ảnh đẹp. Sản phẩm du lịch ở đây khá phong phú bao gồm những món ăn đặc sản truyền thống như: Bánh xèo cá kình, bánh khoái cá dìa, bánh tét và hải sản tươi sống tôm cá mực đậm chất đầm phá trên hệ thống Đầm Chuồn. Du khách sau khi tham quan một vòng Đầm Chuồn sẽ dừng lại nghỉ ngơi và ăn những món đặc sản tại khu nhà nổi nằm ngay giữa đầm phá, dọc ven đê Tây phía Đông.
“YesHue Eco”
YesHue Eco đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là điểm du lịch năm 2020. Nằm cách thành phố Huế khoảng 50 km, điểm du lịch sinh thái “YesHue Eco” này thuộc thôn Xuân Phú, xã Hương Phú, huyện Nam Đông.
“YesHue Eco” có diện tích khoảng 4,5 ha, hệ thống giao thông đi lại thuận tiện, chỉ mất khoảng 45 phút bằng xe máy là bạn đã đến được nơi đây. “Yes Hue Eco” được biết đến với phong cảnh tự nhiên và hoang sơ của Thác Mơ, một thác nước bắt nguồn từ núi rừng Bạch Mã cao hơn 1.400m so với mực nước biển, nơi nhiệt độ thấp, không khí mát mẻ. Thác Mơ là nơi mà du khách sẽ trút bỏ được cảm giác ồn ào của thành thị để tận hưởng không khí trong lành yên bình của một khung cảnh tươi đẹp và gần như còn hoang sơ. Nhiệt độ mát vào ban trưa và có thể se lạnh khi về chiều, tương tự như thời tiết ở Đà Lạt nên có thể ví thác Mơ là Đà Lạt giữa lòng Thừa Thiên Huế.
Ấn tượng nhất khi đến nơi đây chính là 3 thác nước cao với 4 hồ tắm tự nhiên có độ sâu từ 1-3m. Đến đây, quý khách không chỉ được ngâm mình dưới làn nước nước mát lạnh đầu nguồn, hòa mình vào thiên nhiên mà còn được trải nghiệm những trò chơi thể thao trên nước. Nếu vùng đồng bằng ở Huế đang là những ngày nắng nóng thì không khí ở huyện miền núi Nam Đông thời tiết lại mát mẻ. Nơi đây sẽ đáp ứng các nhu cầu giải trí và lưu trú như tắm suối, bơi lội, các trò chơi khám phá mạo hiểm, nhà hàng, cắm trại, sự kiện âm nhạc, giao lưu văn hóa với người dân địa phương, mua sắm đặc sản địa phương, các mô hình thể thao địa hình, trải nghiệm và tiêu thụ mô hình nông nghiệp sạch.
Với diện tích hơn 10.000m2, được trang bị đầy đủ trang thiết bị, âm thanh, ánh sáng, không gian thoáng mát. Đây là một điểm đến đầy hứa hẹn với các hoạt động nhóm và tổ chức các sự kiện vui chơi gắn kết cộng đồng. Ngoài ra, hệ thống chòi nghỉ với 30 chòi nằm ven suối với sức chứa tối đa 10 người/chòi và hệ thống cắm trại với 33 trại riêng biệt, nhiều màu sắc mẫu mã thoáng mát, đầy đủ tiện nghi, an ninh chặt chẽ sẽ đảm bảo an toàn cho du khách có một không gian nghỉ dưỡng hoàn toàn biệt lập, có những trải nghiệm mới thú vị khi du khách đến đây.
Núi Bạch Mã
Núi Bạch Mã Huế nằm trong khu vực vườn Quốc Gia Bạch Mã, nơi giáp ranh giữa thành phố Huế và Đà Nẵng. Nơi đây có thảm động thực vật đa dạng với hàng trăm loại sinh vật quý hiếm, trong đó có những loại đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Núi Bạch Mã nằm ở ở độ cao 1.444m so với mực nước biển, là nơi nghỉ mát nổi tiếng ở Việt Nam.
Núi Bạch Mã nổi tiếng bởi có những con suối và nhiều ngọn thác ngoạn mục, trong đó có thác Ðỗ Quyên cao 400m, rộng 20m. Vào những ngày hè, hai bên bờ thác, hoa đỗ quyên nở rộ như hai thảm lụa hoa khổng lồ.
Trên đỉnh núi Bạch Mã. Ảnh: thuathienhue.gov.vn
Với cảnh quan thiên nhiên cùng khí hậu mát mẻ, núi Bạch Mã Huế là điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách. Ðứng trên đỉnh núi Bạch Mã, du khách có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh của đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và ánh điện lung linh của thành phố Huế vào ban đêm.
Chính sách ưu tiên phát triển du lịch mang nét đặc trưng riêng
Để phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch xanh với mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo tồn nguyên vẹn về cảnh quan tự nhiên, môi trường sống.
Tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh. Vườn Quốc gia Bạch Mã được quan tâm cho xây dựng quy hoạch rất kỹ để kêu gọi đầu tư các hạng mục phát triển hạ tầng dịch vụ, hoạt động du lịch tôn trọng tính đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường. Ngành du lịch và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ hình thành và phát triển nhiều sản phẩm, tour du lịch gắn với bảo tồn sinh thái, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng.
Cụ thể, đến nay trên địa bàn tỉnh có 15 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó có 12 điểm du lịch sinh thái và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng như: Nhà vườn Lương Quán – Nguyệt Biều tại thành phố Huế, khu vực cầu Ngói Thanh Toàn tại thị xã Hương Thủy hay khu sinh thái Đầm Chuồn tại huyện Phú Vang…
Các tour du lịch gắn với bảo tồn sinh thái, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng như: Tour “Hoàng hôn phá Tam Giang“; tour “Thăm Làng cổ Phước Tích – Đan lát Thủy Lập – Thôn Ngư Mỹ Thạnh – Phá Tam Giang“; tour “Đạp xe về Phá Tam Giang“; tour “Thăm làng Phước Tích – Phá Tam Giang“; tour “Từ đồng rau xanh đến ánh vàng đầm phá” và tour “Khám phá Tam Giang“… Các tour du lịch này không chỉ phù hợp với du khách, các đoàn đi theo dạng Teambuilding, mà còn thích hợp với hoạt động dã ngoại cuối tuần của người dân địa phương.
Ngoài ra, để thu hút du khách trong thời gian khó khăn vừa qua, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch xanh như: Nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các điểm check-in du lịch sinh thái; hình thành các điểm vui chơi giải trí mới, các điểm dịch vụ về đêm như tuyến phố đi bộ Hoàng Thành; các trạm xe đạp chia sẻ thông minh trên địa bàn thành phố Huế…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định, Huế có một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch xanh. Ngoài nét cổ kính của lăng tẩm đền đài, của hệ thống di sản văn hóa đồ sộ còn có cảnh quan thân thiện môi trường ngay giữa lòng đô thị. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên nét “đặc sắc” của Huế, tạo sụ khác biệt của Huế với các vùng du lịch khác.
Định hướng phát triển du lịch xanh của ngành du lịch Thừa Thiên Huế được xác định bám sát với mục tiêu của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định, phát triển du lịch xanh trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế./.
Q.Liên