Nam Phương Hoàng hậu trong triều phục năm 1934. Ảnh tư liệu |
Ông Phạm Hy Tùng (còn có bút danh Hy Bách) là tác giả của một số đầu sách nghiên cứu, trong đó “Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa” (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006, tái bản 2011) đoạt giải khuyến khích Giải Sách hay Việt Nam năm 2007. Đầu năm nay, ông cho công bố cuốn sách về Hoàng hậu Nam Phương được dư luận chú ý nhờ “trong quá trình sưu tập các tài liệu liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, gồm tài liệu của phía bên ta và cả của những người ở phía bên kia, chúng tôi may mắn có được hơn một trăm bức thư viết tay bằng tiếng Pháp gửi cựu hoàng Bảo Đại” – (Trích “Lời thưa” đầu sách của tác giả).
Hầu hết những bức thư này là của bà Nam Phương viết từ Sài Gòn hoặc từ Pháp gửi đến Hồng Kông, hoặc gửi về Việt Nam cho Bảo Đại vào những năm từ 1946-1954. Đây là thời đoạn chính trường Việt Nam đang có những diễn biến liên quan đến Bảo Đại, nên các bức thư riêng của Nam Phương đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử. Theo tác giả cuốn sách, đó là “thời điểm cụ thể khi Bảo Đại từ Trung Quốc sang Hồng Kông. Sau đó, ông đã ngầm liên lạc với vợ con đang ở Huế như thế nào; tiền bạc để ông chi tiêu trong hơn hai năm sống ở Hồng Kông, và tiếp tế cho vợ con khi đó đã định cư ở Pháp, từ đâu mà có; trong thời gian này, thuộc hạ thân tín mà cựu hoàng cài cắm từ lâu trong chính trường nước Pháp đã cung cấp cho ông những tin tức gì; hoặc vì sao đang định cư ở Pháp nhưng bà Nam Phương lại có ác cảm và thiếu tin tưởng vào nhà cầm quyền nước này…”
Một bức thư của Nam Phương Hoàng hậu. Ảnh do tác giả cung cấp |
Như thế là rất nhiều vấn đề – từ quan điểm chính trị đến chuyện riêng tư của hai nhân vật có mối quan hệ không nhỏ đến lịch sử đất nước được sáng tỏ thêm qua cuốn sách này. Cả “những chuyện tình” hoặc “thư đánh ghen” của bà Nam Phương mà một số sách, báo gần đây thêm thắt, qua những bức thư mặn nồng tình cảm vợ chồng của bà Nam Phương, càng thấy rõ là không có căn cứ. Đến năm tháng sinh của Nam Phương, không ít sách báo và cả trên bia mộ của bà cũng ghi sai “ngày sinh so với thông tin trong bức thư do chính tay bà viết kể với chồng về một dịp sinh nhật…” (Bà sinh năm 1913, nhưng một số sách, báo lại ghi sinh năm 1914…)
Qua những bức thư công bố trong cuốn sách, tác giả nhận định “bà Nam Phương từ ngày rời Việt Nam sang Pháp, sống một mình với đàn con nhỏ, ngoài việc lo lắng chu toàn việc gia thất, bà còn dạy bảo con cái về mọi mặt, từ cách cư xử với cha mẹ, bạn bè và giao tiếp xã hội… động viên con cái học thêm chữ Nho hay chữ quốc ngữ để không quên cội nguồn… Nhiều bức thư bà viết gửi chồng đã cho thấy tâm hồn bà luôn thường trực lòng yêu quê hương đất nước…”. Trong bức thư viết ngày 17/1/1953, khi biết chồng muốn đóng trước tiền cho một cơ sở thể thao để khi có dịp về Việt Nam đến chơi, bà đã thẳng thắn đưa ra đề nghị: “Mình không nên phí phạm… em đang cần 3.500.000fr. Mình nên tặng em số tiền này, coi như quà mừng sinh nhật em vào cuối năm nay khi em tròn 40 tuổi… Với số tiền này, em có thể kín đáo làm nhiều việc thiện… nhiều sinh viên của ta không được ở ký túc xá, đang phải ở bên ngoài, bị bọn chủ nhà trọ bóc lột tàn tệ…” (Bản dịch các thư từ tiếng Pháp ra tiếng Việt do cố Đại tá – nhà văn Lê Kim thực hiện).
Bìa cuốn sách của tác giả Phạm Hy Tùng. Ảnh do tác giả cung cấp |
Chính là căn cứ vào tư cách và những hoạt động của Nam Phương từ khi còn ở Huế sau Cách mạng Tháng 8 cho đến những năm tháng ở Pháp, báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 6/11/2009, ở mục “Danh nhân Việt Nam” đã viết: “…Nam Phương Hoàng hậu – Người duy nhất được phong hoàng hậu khi còn sống và cũng là vị hoàng hậu duy nhất theo đạo Thiên chúa của triều đại nhà Nguyễn… Cuộc đời của bà là một tấm lòng yêu nước kính Chúa, một tình yêu thiết tha với cộng đồng các dân tộc Việt Nam… là một tấm gương sáng về lòng yêu nước và tự tôn dân tộc…”
Nhà nghiên cứu Phan Hy Tùng bày tỏ, chính trang viết trên tờ Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nói trên đã động viên, thúc đẩy ông hoàn thành công trình nghiên cứu về Nam Phương Hoàng hậu qua một số thư từ mà sau khi công bố từng phần trên một số báo chí, nay đã đến tay bạn đọc toàn vẹn với cả trăm bức ảnh tư liệu quý hiếm…