Chỉ 100.000 đồng một người, bạn có thể thưởng thức đủ 5 món đặc sản chính hiệu Nam Phổ.
Làng Nam Phổ thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, cách thành phố Huế gần 6 km. Làng nổi tiếng về ẩm thực từ thế kỷ thứ 16, là địa danh gắn liền với đặc sản “bánh canh Nam Phổ”. Ngoài bánh canh, nơi đây còn được biết đến với nhiều món ăn dân dã đặc trưng xứ Huế.
Bánh canh bột gạo
Bánh canh Nam Phổ. Ảnh: Hoài Nhân
Bánh canh Nam Phổ nổi tiếng nhiều thế kỷ trong nước cũng như ở nước ngoài. Bánh canh có phần nước sốt sệt, sợi bánh mềm, dẻo, chế biến bằng bột gạo và bột năng. Sợi bột đặc, dài khoảng 3 ngón tay, không bị dính, khi chín sẽ nổi lên. Hỗn hợp mọc tôm và thịt cũng vắt bằng tay thành từng viên, cho vào nồi nước dùng đang sôi. Tôm và thịt đều tươi, được chế biến trong ngày. Bánh canh ăn khi còn nóng.
Chả gói mini
Chả gói Nam Phổ được làm từ thịt lợn tươi, lọc hết mỡ, sau đó đem xay. Thịt xay xong lần đầu cho vào ngăn đá, trong thời gian chờ thịt đông thì quấy bột năng, bột nở. Khi thấy thịt cứng đem ra xay tiếp, cho bột năng và bột nở vào xay chung. Khi xay thêm dầu ăn giúp cho chả có bề ngoài mịn màng đẹp mắt. Miếng chả gói bằng lá chuối, từng cặp úp vào nhau, và đem hấp. Có thể ăn chả chấm muối tiêu. Món ăn được bán trên các đoàn tàu Thống Nhất.
Bánh nậm tôm chấy
Bánh nậm. Ảnh: Tú Lê
Bánh nậm còn gọi là bánh nặm, có hương vị thơm ngon, bột mềm mịn. Nguyên liệu bột gạo tinh chất, nhân làm bằng tôm, thịt. Bột gạo được cho vào nồi, khuấy cho tới khi bột hơi sánh lại, tôm thịt băm nhỏ, ướp gia vị và xào chín. Khi gói cho một lượng nhỏ bột, dàn mỏng, trải đều trên lá dong, quét nhân tôm lên trên rồi gói bánh thành hình chữ nhật. Hấp cách thủy trong khoảng từ 15 đến 20 phút thì chín. Bánh ăn chấm với nước mắm.
Chả tôm
Chả tôm dai giòn sần sật, được làm từ thịt heo và tôm, nêm nếm gia vị, hành, tiêu, nước mắm. Để có màu vàng bên ngoài, chả trước khi đem hấp quét một lớp lòng đỏ trứng gà. Sau khi hấp chín, cắt chả thành miếng nhỏ. Chả tôm kết hợp với bánh nậm làm nên một bữa ăn mang đậm hương vị truyền thống.
Bánh nếp ram ít
Bánh ram ít. Ảnh: Tú Lê
Bánh gồm một cặp, là sự kết hợp của bánh ram và bánh ít, với hai phần màu vàng ruộm và trắng. Phần trắng là lớp bột nếp dẻo bọc tôm rim, bên dưới là lớp bột nếp chiên giòn. Trên bánh còn tô điểm thêm màu xanh của hành và màu đỏ của tôm chấy. Bánh ăn chấm với nước mắm pha chế ngọt vừa, vừa giòn vừa dẻo. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận sự độc đáo khi hai hương vị hòa quện nhau.
Vnexpress