Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với các đại biểu quân đội tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 3 (9/1960). Ảnh: TTXVN

Những cái “nhất”

Tháng 1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký các sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng cho 10 cán bộ ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam, gồm 1 Đại tướng (Võ Nguyên Giáp), 1 Trung tướng (Nguyễn Bình) và 8 Thiếu tướng (Hoàng Văn Thái, Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai và Trần Đại Nghĩa).

Đây là lần đầu tiên Quân đội ta có những sĩ quan cấp tướng kể từ ngày được thành lập. Có giai thoại rằng, sau ngày phong tướng, có phóng viên nước ngoài hỏi Bác Hồ: Tại sao một quân đội nhỏ bé, trang bị thô sơ như Việt Minh mà lại có đến 10 vị tướng? Bác Hồ trả lời, đại ý: Thắng Đại tướng thì phong Đại tướng, thắng Trung tướng thì phong Trung tướng, thắng Thiếu tướng thì phong Thiếu tướng. Câu trả lời của Bác vừa hóm hỉnh, sâu sắc, nhưng cũng hết sức chí lý và thực tế…

Tìm hiểu tiểu sử của 10 vị tướng đầu tiên, có thể thấy, tuổi đời của các vị tại thời điểm được phong hàm cấp tướng đều còn rất trẻ: Người “già nhất” là Thiếu tướng Trần Tử Bình (sinh năm 1907, tức 41 tuổi tại thời điểm được thụ phong, lúc đó ông là Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ); người “trẻ nhất” là Thiếu tướng Lê Hiến Mai (sinh năm 1918, 30 tuổi, Chính trị ủy viên Chiến khu II). Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó cũng chỉ mới 37 tuổi và đây cũng là lần thụ phong quân hàm duy nhất trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông. Ông cũng là người sống thọ nhất trong số 10 vị tướng được phong quân hàm đợt đầu tiên (102 tuổi).

Trung tướng Nguyễn Bình vốn là đảng viên Quốc dân Đảng. Trong thời gian bị thực dân Pháp bắt giam tại ngục tù Côn Đảo, ông đã giác ngộ và chuyển hướng hoạt động theo đường lối của Đảng Cộng sản. Cũng vì lý do này mà ông bị một số tù nhân cực hữu của Quốc dân Đảng đánh đập, dẫn đến bị hỏng một mắt.

Thiếu tướng Chu Văn Tấn (1910 – 1984) là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông giữ cương vị này từ 23/8/1945 đến 2/3/1946 trong Chính phủ lâm thời (năm 1959, ông được thăng quân hàm Thượng tướng). Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 – 1967) xuất thân trong một gia đình Công giáo, với chi tiết này, ông trở thành một “trường hợp đặc biệt” của quân đội ta. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (được thăng quân hàm Đại tướng năm 1980) là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội ta, ông đảm nhận trọng trách này từ năm 1945 đến 1953. Người đảm nhận trọng trách Tổng Tham mưu trưởng trong thời gian dài nhất là Thiếu tướng Văn Tiến Dũng (được thăng quân hàm Đại tướng năm 1974), từ 1953 đến 1978. Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa học và nhận bằng kỹ sư tại Pháp từ khi còn trẻ. Năm 1946, ông theo Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến và trở thành nhà nghiên cứu, chế tạo vũ khí hàng đầu của nước ta. Tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và là một trong 7 anh hùng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong 10 vị tướng được phong cấp hàm vào đầu năm 1948, có 2 vị đã từng có mặt trong số 34 người của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời ngày 22/12/1944 – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam: Thiếu tướng Hoàng Sâm (thời điểm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ông là Đội trưởng) và Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (phụ trách kế hoạch – tình báo của Đội).

“Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn

Thiếu tướng Nguyễn Sơn là vị “Lưỡng quốc tướng quân” duy nhất trong lịch sử Quân đội ta từ trước tới nay. Ông được Chính phủ ta phong quân hàm Thiếu tướng vào đầu năm 1948 và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phong quân hàm Thiếu tướng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vào năm 1955. Ông được xem là vị tướng không chỉ có tài năng về quân sự, mà còn được biết đến là một nhà lãnh đạo rất quan tâm đến văn hóa – nghệ thuật.

Xung quanh việc ông nhận thụ phong quân hàm Thiếu tướng vào đầu năm 1948 có câu chuyện khá thú vị. Với cá tính khá đặc biệt của mình, khi biết tin được phong quân hàm Thiếu tướng, ông tỏ thái độ miễn cưỡng, cho rằng cấp hàm Thiếu tướng chưa tương xứng với tài năng của mình, do đó ông cố tình trì hoãn việc nhận thụ phong. Biết được việc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm đại diện của Chính phủ vào trao sắc lệnh kèm 4 câu thơ chữ Hán do Người trực tiếp viết, gửi Nguyễn Sơn: “Tặng Sơn đệ. Đảm dục đại/ Tâm dục tế/ Trí dục viên/ Hạnh dục phương” (có nghĩa là: Ý chí cần to lớn, quả quyết/ Lòng dạ cần tinh tế/ Trí tuệ cần trọn vẹn/ Đức hạnh cần chân phương, vuông vắn). Đọc 4 câu thơ do Bác gửi, tướng Nguyễn Sơn mới ngộ ra và vui vẻ nhận sắc lệnh thụ phong. Điều đáng chú ý là Bác viết thơ gửi Thiếu tướng Nguyễn Sơn với tư cách là “người anh” tặng “người em” (Tặng Sơn đệ), không phải với tư cách của Chủ tịch nước đối với một vị tướng dưới quyền. Chỉ với chi tiết này, chúng ta thấy được Bác Hồ có cách ứng xử rất tinh tế, mềm mỏng nhưng có sức cảm hóa lớn, thể hiện một tầm cao trí tuệ, văn hóa trong thu phục, sử dụng những người tài năng nhưng có cá tính mạnh.

HOÀNG NGỌC ANH