Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá, huyện Bình Lục có tổng diện tích gieo cấy 220 ha. Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, HTXDVNN Đồn Xá luôn chủ động đổi mới, sáng tạo trong điều hành sản xuất kinh doanh; đặc biệt là duy trì và không ngừng nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất lúa, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, từng bước nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.
Ông Nguyễn Thế Trường, Giám đốc HTXDVNN Đồn Xá cho biết: Xác định rõ, mục tiêu quan trọng và xuyên suốt là đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho người nông dân... thời gian qua, HTXDVNN Đồn Xá đã chọn mô hình “Liên kết trong sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa” là mô hình học tập và làm theo gương Bác.
Được biết, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng và các mô hình thực tiễn, năm 2017, HTXDVNN Đồn Xá quyết định xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất lúa nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên. Qua họp bàn, thảo luận, thống nhất, HTX đã chọn vùng Đồng Bua để triển khai xây dựng mô hình. Sau khi chọn được vùng sản xuất, HTX tổ chức họp với các hộ thành viên có diện tích gieo cấy nằm trong mô hình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Trong cuộc họp, HTX thông báo rõ cơ chế hỗ trợ, hình thức liên kết (cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra)... tới người dân. Là mô hình mới, vì vậy, lúc đầu nhiều hộ dân còn băn khoăn, chưa nhất trí, song nhờ kiên trì, vận động (có hộ phải đến tận nhà thuyết phục) cuối cùng tất cả các hộ thành viên có diện tích gieo cấy nằm trong mô hình đã đồng thuận tham gia. Vụ chiêm xuân 2017 (vụ đầu tiên thực hiện mô hình) HTX chọn liên kết với Công ty An Đình (Hà Nội), gieo cấy giống lúa ĐS1 trên diện tích 4ha. Ngay vụ đầu tiên, mô hình đã đem lại kết quả tích cực. Hiệu quả kinh tế từ mô hình liên kết cao hơn từ 10 -15% so với ngoài mô hình. Không những vậy, nông dân không phải mất công vận chuyển, phơi lúa; không phải lo tìm thị trường tiêu thụ. Từ vụ thứ 2 - vụ mùa 2017, không phải tuyên truyền, vận động nhiều, các hộ thành viên đều tự giác, chủ động đăng ký tham gia.
Từ năm 2022, với mong muốn, nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, HTXDVNN Đồn Xá tiếp tục triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa giống (gồm các giống: PM2, Bắc Thơm số 7...) với Công ty Nam Dương (Duy Tiên). Qua thực tiễn sản xuất, hiệu quả kinh tế của mô hình liên kết sản xuất lúa giống cao hơn khoảng 10% so với mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa. Trăm nghe không bằng một thấy, tận mắt chứng kiến những lợi ích thiết thực từ mô hình liên kết đem lại, nhiều hộ thành viên của HTX tích cực hưởng ứng tham gia mô hình khi HTX mở rộng diện tích. Từ 4ha vụ chiêm xuân năm 2017, đến nay tổng diện tích liên kết trong sản xuất lúa của HTXDVNN Đồn Xá là 60 ha, trong đó 10 ha lúa hàng hóa liên kết với Công ty Long Vũ (Bình Lục), 50 ha sản xuất lúa giống liên kết với Công ty Nam Dương.
Ông Nguyễn Thế Trường, Giám đốc HTXDVNN Đồn Xá cho biết thêm: Muốn liên kết thành công, việc thực hiện đúng hợp đồng đóng vai trò then chốt. Để duy trì hiệu quả mô hình liên kết, khi đứng ra làm khâu trung gian (nhận thóc giống của công ty cung ứng cho nông dân; cùng công ty kiểm tra chất lượng lúa trước khi thu mua; trực tiếp tổ chức cân thóc tươi ngay tại đầu bờ - có sự tham gia của công ty và hộ thành viên...) thời gian qua, HTX luôn bảo đảm khách quan, trung thực, chính xác. Trong thực hiện liên kết bảo đảm hài hòa lợi ích của nông dân và lợi ích của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc thỏa thuận, thống nhất về giá cả thu mua. Trong quá trình thực hiện, nếu hai bên có gì vướng mắc sẽ kịp thời trao đổi, giải thích cụ thể, rõ ràng, giải quyết hợp lý, hợp tình... tạo sự thoải mái, thông suốt trong quá trình liên kết. Nhờ vậy, gần 10 năm thực hiện mô hình liên kết, tỷ lệ hộ thành viên của HTX thực hiện đúng hợp đồng hàng vụ đều đạt trên 90%. Chỉ có một số ít hộ muốn giữ lại thóc phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình...
Cùng với mô hình liên kết, trước thực trạng một số diện tích nhỏ lẻ, sâu trũng người dân bỏ không cấy, năm 2023, HTX thỏa thuận với người dân, tích tụ được 5 mẫu trực tiếp đảm nhiệm triển khai sản xuất. Vừa làm, vừa thuê thêm người, từ năm 2023 đến nay, HTX có thêm nguồn thu từ diện tích tích tụ, đồng thời khắc phục được tình trạng bỏ ruộng không cấy ở địa phương. Từ năm 2023 đến nay, mô hình tích tụ ruộng đất cũng được xác định là mô hình làm theo gương Bác thiết thực, hiệu quả của HTXDVNN Đồn Xá.
Ngoài mô hình liên kết sản xuất lúa, mô hình tích tụ ruộng đất, những năm qua, HTXDVNN Đồn Xá còn thực hiện tốt các khâu dịch vụ: bảo vệ thực vật, thủy nông, thú y, cung ứng vật tư, chế biến sau thu hoạch... góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chung sức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở địa phương.
Có thể khẳng định, với tinh thần không ngừng học hỏi, dám nghĩ, dám làm, những năm qua, đội ngũ cán bộ HTXDVNN Đồn Xá đã phát huy vai trò gương mẫu, luôn đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất, triển khai xây dựng hiệu quả mô hình liên kết, mô hình tích tụ ruộng đất trong sản xuất lúa... góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả cây trồng.
Để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác, thời gian tới, HTXDVNN Đồn Xá tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên. Cùng với đó, duy trì mô hình tích tụ ruộng đất nhằm hạn chế tình trạng bỏ rộng không cấy ở địa phương. Cán bộ HTXDVNN Đồn Xá xác định: Đây chính là những việc làm theo gương Bác cụ thể, thiết thực, hiệu quả gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao cần tiếp tục duy trì và phát huy.
Phạm Hiền
Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/htxdvnn-don-xa-no-luc-nang-cao-gia-tri-kinh-te-tren-dien-tich-canh-tac-148938.html
Bình luận (0)