Giống như nhiều hộ gia đình ở địa phương, kinh tế gia đình bà Vũ Thị Nhung, ở thôn 1, xã Đắk Ha hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp. Chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày, mặc dù đã cố gắng học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc nhưng sản lượng vẫn không như mong muốn.
Mở ra hướng phát triển mới khi liên kết với HTX
Một trong những lý do khiến việc sản xuất nông nghiệp của gia đình bà Nhung còn chưa hiệu quả là sản xuất tự phát nên đầu ra và giá cả bấp bênh. Có vụ hoa màu cho thu nhập ổn, nhưng cũng không ít vụ thua lỗ nặng.
Nhưng kể từ hai năm trước, khi gia đình bà tham gia liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha trồng các loại cây mà HTX chuyên canh như: cà tím, cà chua, bí ngòi… Được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc, hiệu quả đã thay đổi rõ rệt.
Liên kết sản xuất với các HTX đang mở ra hướng đi bền vững cho kinh tế cho nhiều người dân ở Đắk Nông. |
“Chúng tôi được bao tiêu đầu ra sản phẩm và giá cao hơn so với thị trường. Mỗi năm thu nhập được vài trăm triệu, gia đình tôi trả được nợ ngân hàng và bắt đầu có tích lũy”, bà Nhung nói.
Thực tế, gia đình bà Nhung chỉ là một trong số hàng chục hộ dân nơi đây đang liên kết cùng HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha để sản xuất các loại rau, củ, quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo lãnh đạo HTX này, một trong những “bí quyết” giúp cho sự liên kết của HTX với các hộ thành viên ở đây thành công là HTX đã chú trọng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, các thành viên khi tham gia HTX sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng sản xuất hiện đại.
Nhờ vậy, dù chỉ mới thành lập được hơn 2 năm nhưng HTX đang trở thành một điển hình trong câu chuyện liên kết giữa HTX và nông dân. Mỗi năm sản xuất ra hàng trăm tấn rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho thị trường.
Hiện nay, HTX có 8 thành viên chính thức, 30 ha đất sản xuất và 30 hộ liên kết với khoảng 60 ha đất. Các loại cây trồng được HTX đưa vào sản xuất là rau xanh, cà tím, củ cải, cà chua, chuối sứ (chuối hương) trồng xen với cây ăn quả như sầu riêng, nhãn, mắc ca…
Ở Đắk Nông, những mô hình liên kết như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha đang khá phổ biến. Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng và sản xuất cà phê, một trong những thế mạnh hàng đầu của tỉnh cũng đang được các HTX phát huy triệt để.
Đơn cử như HTX Thuận An đang trở thành HTX đầu tiên sản xuất cà phê Arabica theo phương thức Thương mại công bằng tại Việt Nam. Hiện nay, HTX đã bắt tay với 6 HTX cà phê khác trong khu vực và các hộ sản xuất nhỏ để mở rộng thị trường. HTX có 112 thành viên, nhờ việc tổ chức sản xuất bài bản, sản lượng cà phê trên diện tích 480ha của các thành viên luôn ổn định ở mức cao, bình quân đạt 674 tấn/vụ, mang lại doanh thu từ 11-18 tỷ đồng/năm.
Ông Võ Lý, một thành viên của HTX chia sẻ: “Từ khi HTX liên kết sản xuất với doanh nghiệp, cà phê của gia đình luôn được bán cao hơn thị trường. Tôi được hướng dẫn, tập huấn việc sản xuất cà phê an toàn, tiết kiệm và chất lượng nhất. Nhờ thế mà những năm qua, gia đình tôi không còn lo tình trạng thất thường của giá cà phê”.
Hiện Đắk Nông có hơn 139.000ha cà-phê, năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha, sản lượng hơn 350.000 tấn, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 120.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 215 triệu USD/năm. Trong đó có khoảng 23.000ha sản xuất theo các tiêu chuẩn, sản lượng đạt 82.000 tấn/năm. Hiện sản phẩm cà-phê Đắk Nông đã xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới.
Hướng đi bền vững
Để hỗ trợ những mô hình này phát triển và lan tỏa, thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế chính sách để đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển liên kết sản xuất khuyến khích đầu tư, liên kết sản xuất, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mang tính tự phát, sản xuất nhỏ, lẻ chưa mang tính hàng hóa, việc phát triển nông nghiệp không tuân thủ các đề án, quy hoạch, kế hoạch, định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh và thiếu tính bền vững…
Cây cà phê là một trong những cây trồng thế mạnh của Đắk Nông đang được các HTX đẩy mạnh liên kết trồng, sản xuất, mang lại giá trị xuất khẩu cao. |
Tại Diễn đàn liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản tỉnh Đắk Nông năm 2023 vừa diễn ra hồi cuối tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Hồ Văn Mười nhấn mạnh vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp là một trong 3 trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh luôn trân trọng vị thế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư trong liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản.
Lãnh đạo Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên 378 ngàn ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên với trên 130 loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Trong đó, trồng trọt là ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên là 320 ngàn ha. Toàn tỉnh có có 03 liên hiệp HTX, 193 Hợp tác xã nông nghiệp; các HTX nông nghiệp hoạt động đa dạng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ sau thu hoạch.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh: “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh việc liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững”.