Lênh đênh trên sông nước từ lúc mới lọt lòng, nhiều đứa trẻ con của các gia đình thương hồ dù đủ miếng ăn, không xa lạ với chiếc điện thoại thông minh nhưng lại đang ‘đói chữ’.
Anh em cùng nghỉ học
Cơn mưa chiều ập tới kèm sấm chớp. Mấy chiếc ghe lớn của gia đình anh Trần Văn Tỏ bị gió thổi va vào nhau, lắc lư dữ dội. Vợ chồng anh nhào ra giằng neo các ghe cặp sát nhau. Hai đứa con anh Tỏ mới 7 – 8 tuổi cũng leo lên nóc ghe thả bạt, chằng dây che chắn mưa tạt. Những đứa bé mới ở tuổi học cấp 1 không hề run sợ trước cơn mưa giông ấy lại rất sợ hãi khi nghe tới hai chữ “đến trường”.
Hai con trai của anh Tỏ là Bảo Nhi (7 tuổi) và anh trai Bảo Long (8 tuổi) chưa từng đi học. Cả gia đình anh chỉ có vợ là chị Nguyễn Thị Liên (32 tuổi) rành chữ nghĩa và cũng là người đứng ra tính toán tiền hàng. Họ còn có một cô con gái 12 tuổi nhưng cũng chỉ học hết lớp 3 rồi nghỉ, vì gia đình sống xa trường nên bé đi học bữa được bữa nghỉ, không theo kịp bạn bè.
Bảo Long tuy lớn hơn em trai nhưng bị chậm phát triển từ bé. Ở nhà, mọi người gọi Long là Xệ, còn Nhi là Bẹt. Hai đứa trẻ ngoài lúc tắm, nô đùa leo từ ghe này qua ghe kia hoặc lao ùm xuống sông tắm thì lại ôm điện thoại xem TikTok. Trước đây, Bẹt được ba xin cho học ở quê nhà An Giang, nhưng vì anh Tỏ lên chợ nổi buôn bán nên phải đưa Bẹt theo và bé nghỉ học khi còn chưa rành mặt chữ. Gia đình của anh Tỏ, chị Liên có 3 chiếc ghe. Hai chiếc của vợ chồng anh, còn một chiếc của ba má vợ. Họ cùng nhau bán buôn ở chợ nổi này cũng hơn 10 năm nay.
Xệ và Bẹt tập viết trên ghe. Ảnh: Lê Vân |
Anh Tỏ đem giấy tờ tùy thân của gia đình gồm giấy khai sinh, tạm trú ra cho tôi xem, hầu hết đều bị chuột gặm mất góc. Đó cũng là một trong những lý do khiến anh không xin học được cho con. Anh Tỏ gãi đầu ngại ngùng: “Đi xin bên phường mấy lần mà họ nói phải về quê làm lại giấy khai sinh cho tụi nhỏ, nhưng tui buôn bán cả ngày không bỏ chợ được, lại không biết chữ nên sợ lên phường làm giấy tờ lôi thôi…”.
Gia đình anh Tỏ là thương hồ gốc. Họ theo chợ nổi khắp vùng đồng bằng từ Châu Đốc (An Giang) tới Cái Bè (Tiền Giang) rồi về Cái Răng (Cần Thơ). Chị Liên kể: “Cỡ mấy năm trước tui ngán cảnh sông nước, đưa con đi Sài Gòn buôn bán ở Hóc Môn. Mà trên bờ tiền thuê nhà cao, bán trái cây ở ngoài đường bị tụi nó đi ngang giựt mấy lần. Sợ quá cả nhà lại dắt díu về chợ nổi”.
Anh trai của anh Tỏ là Trần Văn Thái cũng đi ghe bán sỉ khoai ngọt. Gia đình anh Thái cũng ba đứa con, trong đó một đứa đã nghỉ học, hai đứa nhỏ phải lên bờ ở với ngoại để được đến trường. “Cái vòng luẩn quẩn từ thời ông bà, cha mẹ nào có chữ nghĩa gì, giờ muốn đưa con đến trường mà thấy khó khăn quá…”, anh Thái than.
Những đứa trẻ lênh đênh ở chợ nổi, lênh đênh cả con chữ. |
Mưa tạnh, hai bé Bẹt và Xệ nhào xuống sông tắm, bơi nhanh nhẹn như những chú rái cá con. Cả hai thích thú khi được tôi tặng sách, tập để viết những chữ cái đầu tiên nhưng tuyệt đối không muốn đi học, vì “con sợ xa mẹ lắm, lên bờ không quen” như lời Bẹt nói. Anh Tỏ chia sẻ: “Mấy đứa ở trên sông sợ người lạ nên nói vậy thôi, chứ cho lên bờ vài bữa lại ham liền. Tui cũng đang ráng xong đợt hàng này để về quê làm lại giấy tờ cho tụi nhỏ coi có được vào năm học mới hay không”.
Đôi mắt của bà
Những ngày theo ghe thương hồ chợ nổi, tôi gặp được hai bà cháu bán hàng rong trên sông. Đó là dì Nguyễn Thị Thủy (59 tuổi) cùng cháu ngoại Đỗ Hoàng Trung (12 tuổi). Giữa trưa nắng, chiếc đò chèo tay của dì Thủy trôi chầm chậm quanh những tàu du lịch trên sông. Họ tranh thủ lúc các ghe trái cây “mối” của tàu du lịch đã bán xong thì cập vào mời khách. Hôm thì dì Thủy bán trái cây, hôm lại bán bánh bao, xôi…
Trung được ngoại gọi bằng tên Lùn. “Hồi mới sanh nó nhỏ xíu à, nên gọi vậy đó”, dì Thủy nói. Trung còn có một em gái sinh đôi cũng nghỉ học theo bà về chợ nổi. Dì Thủy kể lại cảnh đời cơ cực của 3 bà cháu: “Ba mẹ nó bỏ từ lúc mới đẻ, mẹ tụi nhỏ giờ có gia đình mới ở Bình Phước, cũng làm công nhân nên khó khăn lắm. Hai đứa ở với tôi. Hồi đó nuôi tụi nhỏ rồi bán buôn cứ phải vay vốn theo ngày, thâm vốn miết chịu không nổi, giờ còn nợ hơn ba chục triệu. Tui ráng lắm mà phải cho sắp nhỏ tạm nghỉ học vì gồng không được”.
4 giờ sáng, Trung và ngoại lên con đò nhỏ sắp đồ đi bán. Cậu bé mới 12 tuổi là đôi mắt của bà vì dì Thủy bị cận tới 7 độ, mỗi lúc từ bè xuống đò vào tờ mờ sáng thì không thấy đường. Trung phải vừa quan sát vừa canh cho mũi đò không va vào chân cột bè hay báo cho ngoại biết chướng ngại vật xung quanh. Chiếc bè gỗ cũ kỹ tròng trành khi hai bà cháu lần mò xuống đò dưới ánh đèn đường vàng nhợt. Tôi chợt thấy cay sống mũi khi nhìn cậu bé nhỏ xíu nhường cho em gái giấc ngủ ngon để cùng bà đi bán từ sáng sớm.
Dì Thủy và cháu ngoại bán hàng rong ở chợ nổi Cái Răng |
“Con chỉ có ước mơ là ngoại bán hết bánh bao, khỏi ăn trừ cơm, vì hay bị ế lắm. Rồi ngoại lo được tiền góp cho người ta, tiền thuê bè mỗi tháng coi vậy cũng gần 6 trăm ngàn. Chừng nào ngoại khá hơn ngoại sẽ cho tụi con đi học lại”, Trung hồn nhiên ngồi tính toán những khó khăn mà chỉ em mới có thể chia sẻ cùng bà ngoại. Dì Thủy đứng chèo đò, lấy tay chậm nước mắt khi nghe Trung nói chuyện.
Dù không biết chữ nhưng dì Thủy nâng niu giấy tờ của hai đứa cháu nhỏ như báu vật. Những cuốn tập cũ có nét chữ tròn trịa, rõ ràng của Trung và em gái Bảo Trân là niềm tự hào của người bà tần tảo này. Bà bộc bạch: “Tui chỉ ước giờ hai đứa được đi học lại, mắt có yếu tui cũng tự mò chèo bán được, để thằng nhỏ được đi học, nó thông minh và mê đi học lắm. Chỉ lo mình không đủ sức đóng tiền học. Thôi thì học tới đâu mừng tới đó”.
Bên cạnh ngoại, Trung mắt sáng rỡ khi được tôi tặng bộ sách lớp 3 để cùng em gái ôn bài. Cậu bé mân mê những cuốn tập mới và hỏi: “Giờ con viết liền được không?”. (còn tiếp)
Sẽ có “lớp học nổi” ?
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Bích Phượng, Phó chủ tịch UBND P.Lê Bình, Q.Cái Răng (TP.Cần Thơ). Bà Phượng cho biết: “Phường đã nắm tình hình và sẽ từng bước tháo gỡ cho các em. Trước mắt, với hai bé sinh đôi, phường sẽ giúp cho các em thủ tục nhập học tại Trường tiểu học Lê Bình. Nhưng các em không thuộc địa phương nên khó miễn giảm học phí. Còn với các bé ở chợ nổi, tôi sẽ khảo sát lại số trẻ chưa được đi học. Nếu có thể thì mở lớp học tình thương ngay chợ nổi Cái Răng cho những em không có điều kiện đến trường. Cái khó của địa phương là các em phải theo cha mẹ bán buôn nên nếu xin học được thì gia đình phải cam kết cho con theo học đến cùng, không được bỏ ngang”.