Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, năm 2023, Cần Thơ đón trên 5,9 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 5.400 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành du lịch TP. Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp khó khăn, thách thức khi các sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh đặc thù của từng địa phương.
Du lịch ĐBSCL còn rất nhiều dư địa để phát triển, góp phần vào mục tiêu chung của toàn ngành du lịch năm 2024. Để đánh thức tiềm năng du lịch của vùng, theo TS. Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cần sớm thành lập ban điều phối phát triển du lịch ĐBSCL, hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch ĐBSCL để thu hút nguồn lực phát triển du lịch, xây dựng môi trường du lịch của khu vực hấp dẫn hơn. Đặc biệt, phải quan tâm đầu tư hạ tầng tương xứng với tiềm năng, quan tâm chất lượng nguồn nhân lực và tạo được thương hiệu cho du lịch vùng…
Trong khuôn khổ Hội thảo lần này, nhiều đại biểu cho rằng, để định hướng phát triển du lịch của vùng, cần chú ý khi nguồn nhân lực đang thiếu về số lượng và yếu về kĩ năng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước nói chung cũng như ở các tỉnh ĐBSCL nói riêng.
Ông Mai Ngọc Thuyết, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Du lịch – Sở VHTTDL TP Cần Thơ cho biết, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hiện tại sau thời dài bị ảnh hưởng của dịch COVI19, chất lượng lao động qua đào tạo cũng không đồng đều. Ở các đơn vị quản lý, cơ sở đào tạo, lữ hành, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 100%; nhưng lao động qua đào tạo ở các khu, điểm du lịch chỉ đạt 26,1% – thấp nhất trong ngành. Ở các điểm vườn, homestay, khu du lịch, hầu hết là gia đình tự quản lý, nhân viên chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch.
Theo đại diện Hotel Academy Việt (thuộc CityLand Group) – đơn vị đào tạo chuyên ngành nhà hàng – khách sạn chuẩn Thụy Sĩ thì nguồn nhân lực chất lượng cao phải là nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế, được đào tạo từ các chương trình đạt chuẩn quốc tế, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường toàn cầu.
Đại diện Hotel Academy Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo.
Để có nguồn nhân lực đạt cả chất lẫn lượng đòi hỏi phải định hình nguồn nhân lực có trình độ và tư duy hội nhập quốc tế ngay từ bậc học phổ thông. Hoạt động đào tạo phải gắn chặt với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Nhân sự ngành du lịch ngoài kiến thức còn cần được trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng tự học, kỹ năng quản lý, phổ cập công nghệ và ngoại ngữ, từ đó nâng cao nhận thức, tư duy có trách nhiệm với nghề.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để học viên tham gia trao đổi giao lưu, tham quan thực tế, trải nghiệm hoạt động với các đơn vị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch. Tổ chức các sân chơi, câu lạc bộ ngoại khóa, nhóm trao đổi kiến thức kinh nghiệm, cuộc thi kỹ năng nghề, kiến thức du lịch, với sự tham gia của các nhân sự, chuyên gia, quản lý đang làm việc trong ngành du lịch để chia sẻ các kiến thức chuyên môn, những câu chuyện về nghề và tạo nguồn cảm hứng lan tỏa đến các thế hệ học viên.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho rằng, để nâng cao tính cạnh tranh, đưa ĐBSCL sớm trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo của Việt Nam và khu vực, cần tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực là sản phẩm, chất lượng dịch vụ và xúc tiến du lịch. Trong đó, vấn đề trình độ, kỹ năng của đội ngũ lao động du lịch đóng vai trò chủ lực. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tập trung triển khai nhanh việc nâng cấp chất lượng đội ngũ lao động du lịch của vùng.