Mới đây, một số chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng Việt Nam không nên tạo ra chính sách đặc thù riêng cho lĩnh vực bất động sản.
Liên quan về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, không tạo ra chính sách đặc thù riêng cho lĩnh vực bất động sản là đúng đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản, nhưng cũng chỉ đúng trong trường hợp nền kinh tế vận hành phát triển trong điều kiện bình thường, không bị tác động bởi sự cố bất thường như đại dịch hoặc các xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu như 3 năm qua.
Theo ông Châu, đối với thị trường bất động sản, khoản 5 Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, 2023 đều quy định nhà nước có chính sách để điều tiết thị trường bất động sản, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững.
Điều này cũng được thể hiện cụ thể như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đã hỗ trợ cho thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn đóng băng từ năm 2008-2013 và phục hồi trở lại từ năm 2014.
Hoặc từ năm 2022 đến nay Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và cộng đồng doanh nghiệp rất thiết thực để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó có thị trường bất động sản.
Theo ông Châu, lĩnh vực bất động sản còn bao gồm các hoạt động phát triển bất động sản không nhằm mục đích kinh doanh, hoặc không nhằm mục đích kinh doanh là chủ yếu như các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp, dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang, dự án nhà ở tái định cư, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự án nhà vượt lũ, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
“Các dự án này Nhà nước đã có các chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về tín dụng, tương tự như Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách ưu đãi tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động”, ông Châu nói.
Trên cơ sở đó, ông Châu cho rằng, ý kiến trả lời phỏng vấn không nên tạo ra chính sách đặc thù riêng cho lĩnh vực bất động sản là chưa thật xác đáng. Do đó, Chủ tịch HoREA tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có những chính sách đặc thù riêng cho thị trường bất động sản ở thời điểm này.
Đơn cử, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên.
Hoặc HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét hướng dẫn các tổ chức tín dụng xem xét có thể thực hiện một số giải pháp như đối với dự án đã có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, thì ngân hàng thương mại có thể cho chủ đầu tư được vay tín dụng để bù đắp tài chính với khoản vay không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án.
Đối với dự án đã có giấy phép xây dựng và đã khởi công xây dựng thì Hiệp hội đề nghị ngân hàng thương mại có thể xem xét cho chủ đầu tư được vay tín dụng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh với khoản vay không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án;…
Trước đó, TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho biết, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp bất động sản cần những chia sẻ, hỗ trợ để tháo gỡ và cùng vượt qua khó khăn nhưng không có nghĩa là tạo ra một chính sách đặc thù riêng hay quyền lợi riêng cho lĩnh vực kinh doanh này, mà trong lĩnh vực đặc thù đó lại không có người nghèo, người thu nhập thấp nào được hưởng lợi. Việc đòi quyền lợi riêng cho bất động sản là không hợp lý.
Hơn nữa, tín dụng vào bất động sản là lĩnh vực có rủi ro cao, nên cần phải kiểm soát chặt chẽ, vậy nên, câu hỏi đặt ra ở đây là lý do gì lại phải hạ chuẩn cho vay trong lúc kinh tế còn nhiều khó khăn, rất cần dành nguồn vốn đầu tư cho các ngành, nghề thuộc lĩnh vực ưu tiên khác như: xuất nhập khẩu, nuôi trồng thủy sản… hay một số lĩnh vực ưu tiên như tăng trưởng xanh,…
Việc đầu tư vào bất động sản tràn lan như thời gian qua đã và đang cho thấy sự bất hợp lý. Ngân hàng không thể đi theo dòng tiền đó được. Do vậy, không có chuyện nới lỏng cho một lĩnh vực nào đó đặc thù. Mọi điều kiện, nguyên tắc cần phải được bảo đảm.