Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, địa phương đã quán triệt và triển khai sớm các công điện của cấp trên và của tỉnh theo phương châm “4 tại chỗ”. Đến 14 giờ ngày 25/10, tỉnh Quảng Bình còn 41 phương tiện/229 lao động đang hoạt động trên vùng biển ven bờ. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã thông báo, hướng dẫn cho các chủ tàu thuyền trên hướng di chuyển của bão số 6. Hiện, 41 phương tiện trên đang di chuyển vào bờ tránh trú.
Về tàu hàng, ông Thắng cho biết trên vùng biển của tỉnh có 52 tàu đã vào khu neo đậu an toàn. Để ứng phó với bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương triển khai đảm bảo an toàn cho toàn bộ diện tích rau màu, nuôi trồng thủy sản.
Hiện tỉnh Quảng Bình đã huy động 100% lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, trực sẵn sàng xử lý các điểm xung yếu. Nếu có bão đổ bộ hoặc lũ lụt, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, chuẩn bị di dời các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, là địa phương thường xuyên bị thiên tai bão lũ nên địa phương này luôn chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai và chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã triển khai kêu gọi tàu thuyền. Hiện, tất cả các tàu thuyền của tỉnh đã vào nơi neo đậu an toàn. Có 36/69 tàu thuyền của các tỉnh bạn vào neo đậu trong tỉnh.
Trên khu vực vùng biển đảo Cồn Cỏ, không còn tàu thuyền hoạt động trên biển. Chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và tàu thuyền neo đậu tại khu neo đậu của đảo.
Theo ông Hưng, vấn đề nguy cơ nhất hiện nay là khả năng xảy ra sạt lở đất, do đó địa phương sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 6 trong đó có việc ứng phó với sạt lở đất.
Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 6, trong đó, trực tiếp đồng chí Chủ tịch tỉnh đã họp với các địa phương để triển khai công tác phòng, chống thiên tai.
Tỉnh Quảng Nam đã sử dụng tất cả các hình thức tuyên truyền tới người dân về bão số 6, đồng thời kiểm tra, rà soát về thông tin liên lạc, phương tiện, vật chất phục vụ chống bão số 6. Địa phương này đã thực hiện cấm biển từ 10 giờ ngày 25/10.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết, sáng nay tất cả tàu thuyền của địa phương đã vào neo đậu an toàn. Hiện, tại cảng Chân Mây có 20 tàu hàng đang neo đậu, lực lượng BĐBP đang tiếp tục kêu gọi tàu ngoại tỉnh vào neo đậu an toàn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, bão số 6 là cơn bão mạnh, đòi hỏi tinh thần chủ động ứng phó cao từ các địa phương. Bộ trưởng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, phải nỗ lực cao nhất để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Một số nhiệm vụ trọng tâm được đề ra gồm: Kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền (bao gồm tàu du lịch và tàu vận tải) di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Không để người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho du khách và cư dân tại các đảo. Tùy theo diễn biến của bão, các địa phương từ Quảng Ninh đến Phú Yên cần chủ động ban hành lệnh cấm biển và hạn chế các hoạt động tập trung đông người.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương phải kiểm tra và rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, để chủ động di dời và sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn và khu vực ngập sâu, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/hop-ung-pho-voi-bao-so-6.aspx?item=3