Chiều 8/8, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền núi phía Bắc.
Dự họp tại điểm cầu Cao Băng có lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông – Vận tải, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Chi cục Thủy lợi.
Những tháng đầu năm 2023, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là nắng nóng, mưa lũ, sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Từ ngày 4/8, tại khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến 100 – 200 mm, có nơi gần 400 mm gây lũ cục bộ trên sông, suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại một số địa phương, thiệt hại về tính mạng, nhà cửa, tài sản của nhân dân, nhất là tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La.
7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm 267 người chết, 78 người mất tích, 291 người bị thương; 302 phương tiện bị chìm, cháy, hỏng, cháy 628 nhà xưởng; 1.176 ha rừng, sập đổ, tốc mái 9.075 nhà; hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu…
Toàn quốc huy động 53.490 lượt người và 3.633 lượt phương tiện các loại để ứng phó, khắc phục với 1.753 vụ, cứu được 1.595 người và 178 phương tiện, hướng dẫn và di dời 747 hộ dân với 3.011 người đến nơi an toàn, thông báo hướng dẫn cho 103.898 phương tiện và 754.909 người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo từ nay đến cuối năm, có khả năng xuất hiện khoảng 8 – 10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 4 – 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, chủ yếu tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ nửa cuối tháng 8 – 9) và từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía Nam (từ tháng 10 – 12).
Trước diễn biến mưa lũ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 726/CĐ-TTg ngày 6/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông – Vận tải, Công thương, Quốc phòng, Công an; Chủ tịch UBND các tỉnh: Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền núi và trung du Bắc Bộ.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng báo cáo tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ đầu tháng 8 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa, mưa kéo dài nhiều ngày, lượng mưa tích lũy từ ngày 1 – 6/8/2023 trên 100 mm. Đặc biệt, ngày 6/8 mưa rất to, lượng mưa tại một số trạm đo được như: Thạch Lâm (Bảo Lâm) 110,4 mm, Hồng Trị (Bảo Lạc) 83,2 mm, Đa Thông (Hà Quảng) 78,5 mm, Thanh Nhật (Hạ Lang) 69 mm, Thành Công (Nguyên Bình) 42 mm.
Thiên tai làm 1 người bị thương nhẹ (do sạt lở đất taluy dương tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Bảo Toàn (Bảo Lạc); 21 nhà ở bị sạt lở, hư hỏng; đối với sản xuất nông nghiệp, 0,13 ha lúa mới cấy bị vùi lấp, nhiều công trình hạ tầng cơ sở (giáo dục, nhà văn hóa xóm, công trình thủy lợi, các tuyến đường) bị hư hỏng do sạt lở đất, đá… Ước tính trị giá thiệt hại 2,2 tỷ đồng.
Ngay khi thiên tai xảy ra, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện khẩn trương kiểm tra, thống kê thiệt hại, huy động lực lượng khắc phục các tuyến đường nông thôn, vận động người dân sửa chữa nhà ở. Hội Chữ thập đỏ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Trùng Khánh hỗ trợ cho hộ gia đình có nhà bị sập mái 50 kg gạo và 5 triệu đồng. Sở Giao thông – Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì đường bộ và nhà thầu huy động lực lượng, máy móc, thiết bị hót, dọn đất, đá sạt lở đảm bảo giao thông.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục rà soát, di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ quét. Tạm dừng các hoạt động lễ hội, hoạt động tập trung đông người. Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn, hộ bị mất nhà ở, hộ nghèo, khó khăn.
Tổ chức lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất ngay sau lũ. Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
An Lê