Ngày 16/6, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 25/6/2021 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành giai đoạn 2021 – 2025 họp bàn kế hoạch tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU. Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số 02-ĐA/TU dự và chỉ đạo hội nghị.
Ngay sau khi ban hành, Đề án số 02-ĐA/TU được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn Đảng bộ; tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Đề án, ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, đề ra các chỉ tiêu, lộ trình cụ thể. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động cụ thể hóa các văn bản triển khai thực hiện đề án tại địa phương, đơn vị mình. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai thác tư liệu tại các địa phương, đơn vị, nhất là tại các xã, thị trấn được tiến hành khẩn trương. Một số công trình cơ bản bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, tính lịch sử, thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện rõ nét đặc thù của địa phương, đơn vị. Cấp tỉnh, huyện, ngành xuất bản và phát hành một số cuốn sách như: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng” (Kỷ yếu tọa đàm kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021); “Địa lý – Lịch sử tỉnh Cao Bằng”, “Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Cao Bằng (1947 – 2020)”; “Lịch sử Đảng bộ Công an tỉnh Cao Bằng (1945 – 2020)”. Cấp xã, phường, thị trấn có 29 công trình được xuất bản, phát hành, đạt 65,9% mục tiêu Đề án số 02-ĐA/TU và đạt 19,86% so với tổng số xã chưa có sách lịch sử Đảng bộ trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá, tiến độ nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các công trình lịch sử chưa bảo đảm so với kế hoạch năm 2022 đề ra. Trong năm 2022, không có công trình nào được xuất bản theo thế hoạch, chất lượng một số công trình chưa cao; công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ ảnh hưởng đến việc biên soạn các công trình. Chất lượng thẩm định các công trình lịch sử của Hội đồng thẩm định huyện còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm yêu cầu. Công tác xã hội hóa thu hút nguồn lực để tạo nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu, biên soạn các cuốn lịch sử đảng bộ xã, ngoài một số địa phương thực hiện khá tốt, mức xã hội hóa tương đối cao thì đa số các địa phương huy động nguồn kinh phí xã hội hóa chưa được nhiều.
Nhằm đánh giá tình hình thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU về những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp khắc phục, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành giai đoạn 2021 – 2025 bảo đảm kế hoạch, có chất lượng, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm Đề án số 02-ĐA/TU.
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc trao đổi, thống nhất về những nội dung, chương trình, thành phần đại biểu tham dự, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị sơ kết. Theo đó, nội dung hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả trong những năm tiếp theo. Trưng bày, triển lãm một số ấn phẩm lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành đã xuất bản và phát hành. Hội nghị dự kiến tổ chức 1 buổi, trước ngày 15/7/2023 tại huyện Hạ Lang.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê nhấn mạnh: Việc tổ chức hội nghị sơ kết cấp tỉnh hết sức quan trọng và cần thiết, đây là dịp Ban Chỉ đạo, các đơn vị, địa phương nhìn lại những kết quả đạt được, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cách làm hay và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án; đồng thời cơ bản nhất trí về kế hoạch tổ chức hội nghị sơ kết. Việc đưa hội nghị về tổ chức tại huyện là cách làm mới, tạo điều kiện cho các địa phương được họp tập, trao đổi kinh nghiệm trong cách tổ chức, triển khai hội ngh; nội dung cần xem xét, nghiên cứu.
Đề nghị các cơ quan liên quan rà soát, bổ sung thành phần tham dự đảm bảo đầy đủ, trong đó mỗi huyện, Thành phố chọn đại biểu 2 xã, ưu tiên các xã có tham luận và xã khó khăn trong thực hiện đề án; các tham luận cần gợi ý xây dựng theo hướng báo cáo điển hình, có tính lan tỏa, thực chất, chú trọng chọn các đơn vị cấp xã có cách làm hay, sáng tạo. Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước và sau hội nghị, trong đó, tập trung vào những đơn vị, địa phương có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
Sau hội nghị, cơ quan thường trực thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch ban hành triển khai thực hiện, để việc tổ chức hội nghị bảo đảm trang trọng, chu đáo, tiết kiệm, nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả.
Thanh Thúy