Bước đầu khó khăn, từng bước vươn lên phát triển nông nghiệp bền vững
Là tấm gương sáng trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Đắk Lắk, được thành lập năm 2018, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt (HTX Thành Đạt) gặp không ít khó khăn ban đầu.
Theo bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tar và người sáng lập HTX, sự hiểu biết hạn chế của người dân về mô hình hợp tác xã khiến việc vận động hội viên tham gia rất khó khăn. Nhiều người dân còn e ngại khi tham gia do chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích mà HTX mang lại.
Bên cạnh đó, tiếp cận vốn vay cũng là một thách thức lớn do thiếu tài sản thế chấp và thủ tục vay vốn phức tạp. HTX cũng gặp trở ngại trong việc xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhưng nhờ sự kiên trì, quyết tâm của ban lãnh đạo và các thành viên, HTX đã dần dần vượt qua những khó khăn đó. Từ khi thành lập, HTX đã không ngừng mở rộng quy mô, hiện nay có 160 hội viên, với 40 hội viên chính thức và 120 hội viên liên kết.
Diện tích canh tác của HTX lên đến 320 ha, chủ yếu tập trung vào cà phê, hồ tiêu, cùng với các loại cây ăn trái như sầu riêng và bơ…
Hàng năm, sản lượng cà phê đạt từ 400 đến 500 tấn nhân, trong đó HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ 300 tấn với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai, giúp các thành viên ổn định thu nhập và nâng cao đời sống, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
HTX Thành Đạt đã tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích thiết thực cho các thành viên. Bà Nguyễn Thị Hằng, một trong những thành viên đầu tiên của HTX, chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu tham gia HTX, tôi đã nhận thấy mô hình này giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm của mình. Đặc biệt, HTX đã hỗ trợ chúng tôi về kỹ thuật sản xuất và tạo điều kiện kết nối với doanh nghiệp qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Điều này giúp gia đình tôi không chỉ cải thiện thu nhập mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm.”
Trong khi đó, bà Vũ Thị Hạnh, người mới gia nhập HTX từ năm 2023, cũng có những trải nghiệm tích cực: “Dù mới tham gia chưa lâu, tôi đã thấy được sự khác biệt rõ rệt khi làm việc theo mô hình HTX. Nhờ sự hướng dẫn về quy trình sản xuất an toàn và liên kết tiêu thụ nông sản, tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều về đầu ra của sản phẩm, không còn lo lắng như trước.”
Bên cạnh việc hỗ trợ thành viên về kỹ thuật và thị trường, HTX còn tiên phong trong việc xây dựng các dự án đặc biệt, như chương trình số hóa vùng trồng sầu riêng. Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc HTX Thành Đạt, chia sẻ: “Chúng tôi đã phối hợp với UBND xã Ea Tar và HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đắk Lắk để số hóa vùng trồng sầu riêng, chuẩn hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện tại, 126 hộ thành viên, trong đó có 10% là người dân tộc thiểu số, đã tham gia vào dự án với diện tích 248 ha, tạo cơ hội để sản phẩm sầu riêng của chúng tôi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.”
Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững cùng những đóng góp cho xã hội
HTX Thành Đạt không chỉ tập trung vào phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển kinh tế mà còn đóng góp đáng kể cho cộng đồng địa phương.
Hằng năm, HTX phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức chương trình hỗ trợ người nghèo, trao tặng 200 suất quà trị giá 100 triệu đồng cho các hộ nghèo, khó khăn tại xã.
Clip: Bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tar, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk và cũng là người sáng lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt chia sẻ quá trình hình thành, hoạt động phát triển nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, HTX cũng vận động hội viên và nhân dân hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, đường điện chiếu sáng, góp phần cải thiện hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, HTX rất quan tâm đến bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mỗi năm, HTX tổ chức các lớp tập huấn về nông nghiệp an toàn, không sử dụng hóa chất độc hại, nhằm nâng cao nhận thức cho thành viên về sản xuất sạch nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. Cùng với đó, phối hợp với UBND xã xây dựng đề án thu gom tác thải trên địa bàn xã.
Để tạo điều kiện cho thành viên vềnguồn vốn đầu tư HTX đã đứng ra Liên kết với Công ty Phân bón Sông Lam, tín chấp đầu tư trả chậm cho thành viên HTX, và thành viên liên kết, tổng 300 tấn phân bón các loại (trị giá hơn 1.1 tỷ đồng) đầu tư không tính lãi.
Năm 2023, HTX đã triển khai chương trình VietGAP cho 24 hộ trồng sầu riêng, với tổng diện tích 50 ha, và đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
HTX còn tiếp tục đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là cà phê. Năm 2024, với sự hỗ trợ 90 triệu đồng từ Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, HTX đã đầu tư dàn máy chế biến cà phê ướt, nhằm cải thiện chất lượng và giá trị của cà phê.
Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình sản xuất cà phê Heny chất lượng cao cũng đang mang lại nhiều triển vọng góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt, xã Ea Tar, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, được thành lập năm 2018 với những bước đầu khó khăn, đã từng bước vươn lên phát triển nông nghiệp bền vững.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững và đóng góp tích cực cho địa phương.
Với những thành tựu đạt được trong việc sản xuất cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và tổ yến, cùng những đóng góp đáng kể cho công tác an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, HTX Thành Đạt là mô hình điển hình trong phát triển kinh tế tập thể tại Đắk Lắk.
Trong tương lai, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư từ các cấp, HTX Thành Đạt sẽ còn tiếp tục vươn xa hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Nguồn: https://danviet.vn/hop-tac-xa-nay-cua-dak-lak-trong-sau-rieng-trong-ca-phe-gap-thoi-gia-tot-ban-duoc-nhieu-tien-2024100210482846.htm