TUYÊN QUANG Có 4 sản phẩm OCOP, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thổ Bình (huyện Lâm Bình) là một trong những hợp tác xã có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh Tuyên Quang.
Với diện tích gần 300ha lạc, xã Thổ Bình có diện tích trồng lạc lớn nhất huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang), sản lượng lạc tươi trung bình đạt hơn 2.000 tấn/năm. Thấy được tiềm năng về sản phẩm lạc của quê mình, HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình đã thực hiện liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm với khoảng 1.000 hộ dân để vừa bao tiêu đầu ra ổn định cho người dân, vừa nâng tầm thương hiệu nông sản của địa phương.
Nhiều năm nay, gia đình anh Ma Công Vinh ở thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình đều trồng lạc vụ xuân theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, làm cỏ hoàn toàn bằng thủ công. Trồng lạc theo hướng hữu cơ gia đình anh Vinh vất vả hơn nhưng sản phẩm làm ra an toàn cho người tiêu dùng và dễ xây dựng được thương hiệu. Với 3.000m2 lạc, mỗi vụ trừ hết chi phí anh Vinh lãi khoảng 10 triệu đồng.
Anh Vinh cho biết, từ khi liên kết với HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình, những người trồng lạc như gia đình anh yên tâm về đầu ra cũng như giá của sản phẩm. Để có được thị trường tiêu thụ ổn định, các hộ dân phải đồng thuận cao, áp dụng nghiêm quy trình trồng lạc theo hướng hữu cơ mà HTX đề ra.
Gia đình anh Ma Duy Mân ở thôn Nà Mỵ, xã Thổ Bình là hộ nuôi dê lớn nhất trong HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình. Với hơn 100 con dê sinh sản và thương phẩm, trung bình mỗi năm anh Mân bán ra thị trường khoảng 100 con dê thịt. Mỗi con dê anh Mân bán được từ 2,8 đến 3 triệu đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư con giống, thức ăn, công chăm sóc, anh lãi khoảng 60 triệu đồng.
Anh Mân cho biết, dê Thổ Bình được người dân nuôi nhiều ở các thôn Nà Vài, Vằng Áng, Bản Pước. Hiện nay dê núi Thổ Bình được chăn thả hoàn toàn tự nhiên trên đỉnh núi Phia Khan, bởi thế chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là các mối thu mua chưa thực sự ổn định nên người dân nơi đây còn chưa mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi.
Từ 300 con dê giống ban đầu, giờ đây số lượng dê của HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình liên kết với các hộ dân đã tăng lên tới 1.000 con. Đây là kết quả mà 5 năm qua, HTX luôn duy trì, đồng hành liên kết với 73 hộ chăn nuôi dê đặc sản, mỗi năm thu mua và xuất bán trên 10 tấn dê thịt.
Đặc biệt, tháng 9 năm 2023, HTX đã khởi công xây dựng 1 trang trại chăn nuôi tập trung để tập kết chăn nuôi vỗ béo thương phẩm đàn dê. HTX cũng liên kết với các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh nhằm bao tiêu sản phẩm dê cho bà con.
Ông Đặng Văn Lâm, Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình cho biết, do sản phẩm dê, lạc, chè… của HTX có vùng nguyên liệu sạch nên khi đăng ký sản phẩm OCOP đều dễ dàng được công nhận. Năm 2020, HTX đã có 3 sản phẩm đạt 3 sao OCOP, đó là sản phẩm lạc nhân, lạc củ và thịt dê tươi. Năm 2021, HTX tiếp tục đăng ký đánh giá 1 sản phẩm dầu lạc và được công nhận đạt 4 sao OCOP.
Mở rộng sản phẩm nông nghiệp tốt, nâng cao thu nhập cho người dân, giai đoạn tiếp theo, HTX sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đưa nông sản của xã Thổ Bình nói riêng và huyện Lâm Bình nói chung đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua sàn thương mại điện tử và trung tâm thương mại. Đến nay, sản phẩm nông nghiệp tốt của HTX đã có mặt ở 30 tỉnh thành trên toàn quốc, được người tiêu dùng đánh giá tốt về chất lượng.
HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình đã liên kết với người dân trong xã phát triển vùng chè shan tuyết đặc sản để được công nhận sản phẩm hữu cơ với diện tích 38ha.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/hop-tac-xa-lien-ket-hang-nghin-ho-thuc-day-nong-nghiep-huu-co-d398716.html