YÊN BÁI_ Một hợp tác xã ở Yên Bái có gần 1.000ha quế hữu cơ với hơn 800 hộ tham gia, sản phẩm xuất sang các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…
LTS: Không chỉ mang lại nhiều lợi ích về môi trường, sức khỏe con người, giá trị kinh tế…, nông nghiệp hữu cơ đang là giải pháp bền vững để nông sản rộng cửa xuất khẩu đến các thị trường lớn, có giá trị cao. Trong xu thế đó, Yên Bái đang thực hiện tốt “liên kết 4 nhà” để xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ.
Được thưởng khi trồng quế hữu cơ
Gia đình ông Phạm Văn Hiếu ở xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đã gắn bó với cây quế từ hơn 20 năm qua. Trước đây, gia đình ông trồng quế bằng hạt, bón phân vô cơ, sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh. Từ năm 2017, gia đình ông Hiếu và các hộ dân trong thôn được cán bộ kỹ thuật của HTX Quế hồi Việt Nam và cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng quế hữu cơ.
Ông Hiếu chia sẻ, ngày trước gia đình ông và các hộ trong thôn thường phun thuốc trừ cỏ để giảm tiền thuê nhân công. Hiện nay, khi trồng quế hữu cơ, người dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm phân bón, sử dụng thảm thực vật để tạo độ ẩm và sự màu mỡ cho đất.
Việc làm cỏ trên đồi quế chỉ sử dụng máy phát hoặc các biện pháp thủ công, tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ. Làm như vậy vừa tốt cho môi trường, bảo vệ nguồn nước, tạo độ ẩm và tăng dưỡng chất hữu cơ cho đất, không ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, cộng đồng, lại nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm được các công ty bao tiêu với giá cao hơn từ 6 – 10% so với các hộ không có chứng nhận hữu cơ.
Xã Đào Thịnh hiện có gần 900ha quế, trồng tập trung chủ yếu ở các thôn có nhiều đất đồi rừng. Khoảng 10 năm về trước, người dân chủ yếu trồng quế tự phát, chăm sóc cây theo thói quen chứ không hiểu về kỹ thuật đào hố, khoảng cách cây, thời gian bón phân, tỉa lá… Chưa kể, theo cách làm cũ, quế được trồng bằng hạt, chọn giống theo kinh nghiệm, bón phân hóa học một cách ước lượng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh… nên khó đáp ứng thị trường khó tính. Có những thời điểm, sản phẩm không được giá, đầu ra không ổn định, nhiều người không còn mặn mà với cây quế.
Ông Phạm Văn Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Thịnh cho biết, trước đây bà con nông dân trong xã không hiểu canh tác hữu cơ là gì, chỉ quan tâm tới năng suất, sản lượng và rút ngắn thời gian thu hoạch. Qua các buổi tấp huấn, hướng dẫn kỹ thuật của ngành chức năng, doanh nghiệp, bà con dần hiểu hơn về sản xuất quế hữu cơ và những lợi ích từ phương thức này mang lại.
Những năm gần đây, phong trào trồng quế hữu cơ được người dân xã Đào Thịnh hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn xã có trên 600 hộ dân đã áp dụng sản xuất quế hữu cơ. Sở dĩ người dân tích cực tham gia bởi phương pháp này mang này mang lại nhiều lợi ích. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên cho dù không bón phân hóa học thì cây quế vẫn phát triển tốt, các hộ dân chỉ tận dụng phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp ủ hoai mục để bổ sung cho cây quế. Không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ có nguồn gốc hóa học vừa giúp bảo vệ môi trường sinh thái, vừa giảm chi phí đầu tư.
Ngoài ra, sản phẩm làm ra được HTX Quế hồi Việt Nam bao tiêu hết với giá cao hơn từ 6 – 10%. Cuối năm, các hộ bán sản phẩm cho nhà máy còn được thưởng 1,5 triệu đồng/tấn sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, các hộ dân trong vùng sản xuất quế hữu cơ còn được hỗ trợ kinh phí để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như làm đường giao thông, hỗ trợ hộ nghèo…
Vùng trồng quế hữu cơ của xã Đào Thịnh canh tác theo phương thức không sử dụng hóa chất độc hại, chú trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Theo mô hình sản xuất hữu cơ này, giá trị sản phẩm quế của người dân trong xã cao hơn so với sản phẩm quế thông thường, từ đó mở ra những cơ hội lớn trong việc xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, để giải quyết những tồn tại trong sản xuất của người dân khi triển khai trồng quế hữu cơ, xã Đào Thịnh đã phối hợp với các ngành chức năng và doanh nghiệp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; thực hiện giám sát quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch của các hộ trong vùng nguyên liệu, thường xuyên lấy mẫu kiểm tra, kịp thời phát hiện các chỉ số chất lượng không đạt yêu cầu.
Hơn 3.000ha quế có chứng chỉ Oganic quốc tế
HTX Quế hồi Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm quế tại xã Đào Thịnh từ năm 2017 với tổng số vốn hơn 80 tỷ đồng. Với dây chuyền hiện đại, nhà máy chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế với sản lượng từ 1.500 – 2.000 tấn/năm. Hiện nay, HTX đã và đang tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển cây quế theo hướng hàng hóa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị, mở rộng cánh cửa xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn các hộ dân thay đổi tập quán sản xuất quế truyền thống sang phương thức hữu cơ. Đến nay, HTX đã thực hiện ký cam kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với hơn 600 hộ dân trong xã và khu vực lân cận, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ hơn hơn 600ha.
Ngoài ra, HTX đã xây dựng được dây chuyền sản xuất quế hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, chuẩn từ khâu nguyên liệu đến quy trình chế biến bằng công nghệ cao, cho ra sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…
Ông Nguyễn Bá Mão – đại diện HTX Quế hồi Việt Nam (tại Yên Bái) cho biết: Thời gian qua, doanh nghiệp đã phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức đào tạo, hướng dẫn bà con nông dân trồng và chăm sóc cây quế theo tiêu chuẩn hữu cơ (chứng chỉ Organic quốc tế). Hàng năm, HTX thành lập các tổ, nhóm tiến hành kiểm tra, kiểm soát chéo các vùng nguyên liệu ký kết tiêu thụ với HTX. Cử cán bộ cung cấp, hỗ trợ các hạng mục trong quá trình chọn giống, chăm sóc, thu hoạch và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Đến nay, HTX có gần 1.000ha quế hữu cơ với hơn 800 hộ nông dân ở xã Đào Thịnh và các xã lân cận như Tân Đồng, Việt Thành, Hòa Cuông tham gia.
Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động với thu nhập từ 7 – 9 triệu đồng/tháng; doanh thu bình quân mỗi năm trên 30 tỷ đồng, bao tiêu sản phẩm quế cho xã Đào Thịnh và các xã lân cận. Đảm bảo quy trình sản xuất quế hữu cơ thực sự là cơ hội tốt để nhà máy tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm.
Phong trào sản xuất quế hữu cơ đã được hàng nghìn hộ dân ở các địa phương của huyện Trấn Yên hưởng ứng thực hiện. Hiện toàn huyện có trên 20.000ha quế, diện tích quế chuyên canh tập trung theo hướng hữu cơ đạt trên 12.000ha (chiếm 60%), trong đó hơn 3.000ha đã được cấp chứng chỉ Oganic quốc tế.
Thời gian tới, chính quyền huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX đăng ký tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm quế theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.