Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hợp tác xã bắt nhịp thời đại số

(GLO)- Trong bối cảnh chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ đến từng ngõ ngách đời sống, các HTX tại Gia Lai đang cho thấy sự năng động, nhạy bén khi mạnh dạn “lên sàn”, “lên sóng” để giới thiệu và bán sản phẩm qua các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, livestream Facebook.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai03/07/2025

Đây là một xu hướng mới, từng bước thay đổi diện mạo kinh tế tập thể theo hướng hiện đại và bền vững.

Đồng hành cùng HTX số hóa

Từ những phiên livestream đầu tiên chỉ vài lượt xem, đến nay nhiều HTX ở cả miền núi, vùng sâu đã thành công trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm qua hình thức trực tuyến. HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn (xã An Toàn) là một ví dụ điển hình. Với hơn 32 xã viên là nông dân người Bahnar, HTX sản xuất và tiêu thụ các loại thảo mộc, chè dây, đương quy, dứa, kim thất...

Nhận thấy tiềm năng từ môi trường số, bà Mai Thị Mỹ Lâm, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX đã tự học cách quay video, đăng bài và livestream bán hàng. Ban đầu chỉ vài đơn mỗi ngày, nhưng đến nay lượng khách hàng và đơn hàng không ngừng tăng lên.

lay1tr4.jpg
Đại diện HTX Dịch vụ Nông Ngư nghiệp Mỹ An (xã Phù Mỹ Đông) được hướng dẫn livestream bán hàng tại lớp tập huấn. Ảnh: HẢI YẾN

Bà Mai Thị Mỹ Lâm chia sẻ: Chúng tôi không chỉ bán sản phẩm, mà giới thiệu luôn vùng đất, con người và quy trình sản xuất sạch, khép kín. Khách hàng từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thậm chí nước ngoài cũng quan tâm đến sản phẩm của bà con miền núi. HTX hiện có 5 sản phẩm đặc trưng gồm: Chè dây dạ cẩm, bột ngâm chân thảo mộc Nẫu Ecofarm, cao xịt họng thảo mộc, dầu gội thảo mộc, viên ngậm thảo mộc.

Trong đó, chè dây và bột ngâm chân đã đạt chứng nhận OCOP. HTX còn là đầu mối thu mua, sơ chế, đóng gói các sản phẩm làm quà tặng du lịch và kết nối đầu ra cho người dân thông qua chương trình xúc tiến thương mại phối hợp cùng Sở Công Thương.

Các HTX khác đang dần quen với cách bán hàng “mỗi phiên livestream vài trăm đơn”. Bà Trần Thị Hoàng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Hrung), cho hay: HTX là đơn vị tiên phong áp dụng quy trình nuôi ong chuẩn VietGAP cho 7.500 đàn ong. Từ năm 2019 đến nay, đơn vị không ngừng nâng cấp hoạt động bán hàng online. Mỗi tuần chúng tôi livestream 1 - 2 buổi, giới thiệu mật ong hoa cà phê, hoa điều, phấn hoa... Có hôm cao điểm chốt được cả trăm đơn chỉ sau 60 phút livestream.

Còn HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Kon Gang) với 120 thành viên, sản xuất 80 ha tiêu và 120 ha cà phê hữu cơ, đã khai thác tốt các nền tảng số để lan tỏa thương hiệu. Các sản phẩm như tiêu đen, tiêu đỏ, cà phê hạt và bột, cà phê phin giấy… mang nhãn hiệu Tiêu Lệ Chí và Cà phê Đak Yang không chỉ tham gia các hội chợ lớn mà còn được quảng bá qua các phiên livestream tại trung tâm thương mại, trang TikTok và các sàn thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, khẳng định: Qua livestream giúp chúng tôi đến gần người tiêu dùng hơn, nhất là những khách hàng trẻ, ưa chuộng sản phẩm sạch, có câu chuyện thương hiệu rõ ràng.

Bắt nhịp xu thế, vươn ra thị trường lớn

Bên cạnh nỗ lực tự thân của các HTX, nhiều tổ chức, DN đã vào cuộc hỗ trợ quá trình chuyển đổi số. Ông Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Giải trí Jin Pro Network, cho biết: Tại Hội chợ Xúc tiến thương mại cho các HTX miền Trung - Tây Nguyên cuối tháng 6.2025, chúng tôi hướng dẫn các HTX cách tạo gian hàng TikTok, xử lý sự cố kỹ thuật, thực hành livestream từ cách nói chuyện, trình bày sản phẩm đến cách tương tác, giữ chân người xem.

22them.jpg
HTX Mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Hrung) cùng lãnh đạo Sở Công Thương Gia Lai (cũ) trực tiếp livestream bán sản phẩm tại hội thảo do sở tổ chức. Ảnh: HẢI YẾN

Theo ông Nam, không ít HTX từng bị khóa tài khoản, giỏ hàng do vi phạm chính sách nền tảng vì chưa hiểu rõ cách vận hành. Qua hướng dẫn, các học viên đến từ các HTX đã tiếp cận nhanh chóng và xử lý tốt các tình huống trong việc giới thiệu, bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử.

Sở Công Thương cũng đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ HTX chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở, các hoạt động bao gồm: Tạo lập gian hàng online trên Shopee, Lazada; hỗ trợ chụp ảnh, quay video sản phẩm; viết mô tả chuẩn SEO, tập huấn livestream bán hàng…

Ngoài ra, Sở còn kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, vận chuyển hàng hóa và hỗ trợ xây dựng website riêng cho những HTX có tiềm năng. Đặc biệt, nền tảng thương mại điện tử địa phương đang được nâng cấp để kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và hàng đặc trưng vùng miền hiệu quả hơn.

Thương mại điện tử và livestream bán hàng không còn là “cuộc chơi” của DN lớn. Câu chuyện của những HTX nhỏ, ở vùng sâu vùng xa nay mạnh dạn ứng dụng nền tảng số, tự giới thiệu sản phẩm, tự gói hàng gửi đi khắp cả nước là minh chứng sống động cho tinh thần đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, tăng giá trị nông sản và khẳng định vị thế trong thị trường đầy cạnh tranh.

Nguồn: https://baogialai.com.vn/hop-tac-xa-bat-nhip-thoi-dai-so-post330694.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm