Hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giữa hai nước Việt Nam – Lào không ngừng phát triển, trở thành nền tảng vững chắc cho hợp tác toàn diện; đóng góp thiết thực cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng đơm hoa, kết trái.
Những hợp tác chiến lược
Hằng ngày, tại Phòng Thí nghiệm dữ liệu và truyền thông về thiên tai tại Thủ đô Viên Chăn (Lào), các cán bộ đều tiến hành trực ca, xử lý số liệu báo tin động đất theo quy trình. Số liệu động đất được kết nối truyền nhận trong thời gian thực bằng chương trình SeisComP từ các trạm động đất ở Lào và từ các hệ thống quan trắc ở các quốc gia khác như Việt Nam, Thái Lan và hệ thống quốc tế như Geofon, Iris…
Khi có động đất, hệ thống sẽ tự động xử lý trong thời gian thực và đưa ra các thông số động đất, như thời gian xảy ra động đất, vị trí xảy ra động đất, độ lớn, độ sâu… Trong trường hợp trận động đất có độ lớn hơn 4,5, cán bộ tại Phòng thí nghiệm sẽ tiến hành phân tích số liệu để hiệu chỉnh chính xác tham số động đất.
Được biết, Phòng Thí nghiệm dữ liệu và truyền thông về thiên tai do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hỗ trợ xây dựng. Đây là điểm khởi đầu cho việc xây dựng hệ thống mạng lưới vật lý địa cầu tại Lào và kết nối dữ liệu với mạng lưới trạm vật lý địa cầu của Việt Nam, Thái Lan và Đông Nam Á. Phòng Thí nghiệm dữ liệu và truyền thông về thiên tai được bắt đầu cải tạo, lắp đặt thiết bị và phần mềm từ ngày 26/7 đến ngày 4/8, với diện tích mặt bằng 50 m2, gồm 4 màn hình hiển thị, 2 máy vi tính và một số thiết bị khác sử dụng trong việc quan trắc tình hình động đất theo thời gian thực.
Các đại biểu tham quan Phòng thí nghiệm Dữ liệu và Truyền thông về thiên tại tại Lào. (Ảnh: Hải Tiến) |
Bên cạnh hỗ trợ trang thiết bị cơ bản, Việt Nam đã tổ chức Khóa tập huấn vận hành Phòng thí nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm phân tích dữ liệu cơ sở cho 15 cán bộ Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào.
Không chỉ hỗ trợ Lào xây dựng hệ thống dữ liệu và thông tin cảnh báo thiên tai, Việt Nam còn hỗ trợ Lào xây dựng Trung tâm Quốc gia về Lưu trữ dữ liệu và Điện toán đám mây.
Mới đây nhất, Việt Nam giúp Lào xây dựng Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và tập huấn tại Đại học quốc gia Lào với tổng mức đầu tư hơn 142 tỷ đồng. Dự án sẽ bao gồm một tòa nhà cao 6 tầng, với tổng diện tích khoảng 2.924 m2, có phân khu dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phân khu dành cho hoạt động đào tạo, tập huấn và khu vực sinh hoạt chung.
Dự án được triển khai thông qua 3 nhóm đào tạo, bồi dưỡng, gồm các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia khoa học và công nghệ; các khóa đào tạo theo mô hình nhóm nghiên cứu; và các khóa đào tạo năng lực lãnh đạo, quản lý, để đáp ứng 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên cho hoạt động đào tạo, tập huấn và nghiên cứu khoa học trong chương trình hợp tác giữa hai bên.
Trong tương lai, dự án sẽ giúp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý, nghiên cứu và triển khai cho đội ngũ nhân lực khoa học-công nghệ, giúp hình thành lực lượng chuyên gia và đội ngũ nhân lực khoa học-công nghệ có trình độ chuyên môn cao, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ. Dự án là biểu tượng cho sự hợp tác về giáo dục Việt Nam-Lào, giúp làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào.
Lễ động thổ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Tập huấn tại ĐHQG Lào. Ảnh: Phương Liên |
Góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Lào
Từ năm 1985, Hiệp định Hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Lào được ký kết. Sau đó nhiều dự án nâng cao năng lực nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học, thúc đẩy giao lưu học thuật giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý của hai nước được triển khai hiệu quả.
Trong 10 năm kể từ 2011-2021, tổng số vốn đầu tư của Việt Nam hỗ trợ thông qua các dự án hợp tác nghiên cứu chung với Lào đạt gần 100 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ Lào xây dựng một phòng thí nghiệm với các trang thiết bị cơ bản phục vụ nghiên cứu về công nghệ năng lượng sạch. Hàng trăm lượt cán bộ quản lý và hàng chục cán bộ nghiên cứu của Lào đã được hỗ trợ đào tạo sau đại học và nâng cao trình độ nghiên cứu và quản lý khoa học và công nghệ, nhiều tổ chức nghiên cứu của Lào được trang bị cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm nghiên cứu hiện đại. Phòng thí nghiệm nghiên cứu triển khai công nghệ năng lượng sạch.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho biết Chính phủ Lào rất coi trọng phát triển khoa học công nghệ. Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đạt được trong hợp tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với các bộ ngành liên quan của Lào.
Thủ tướng Lào nhấn mạnh sự giúp đỡ, hỗ trợ của Việt Nam dành cho Lào, nhất là đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng một số cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thủ tướng Lào đề nghị, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan của Lào tiếp tục tăng cường hợp tác, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận hai bên đã ký kết, góp phần hiện thực hóa các nội dung mà lãnh đạo hai Đảng, hai Chính phủ đã thống nhất.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được duy trì và có những bước phát triển đi vào thực chất và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nước. Khóa họp lần thứ 1 Ủy ban hợp tác về công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam-Lào sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác về công nghệ và đổi mới sáng tạo của hai nước nói chung, quan hệ giữa hai Bộ nói riêng.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo với Lào nhằm đảm bảo công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố then chốt và trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/hop-tac-trong-linh-vuc-khoa-hoc-giua-viet-nam-lao-hien-thuc-hoa-cac-noi-dung-lanh-dao-hai-dang-hai-chinh-phu-thong-nhat-207456.html