Trăm hoa đua nở
Trở lại sau hơn 2 năm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, giáo dục đại học trong năm 2022 đã nhanh chóng ổn định và phát triển mạnh theo xu hướng hội nhập quốc tế. Quốc tế hóa trong đào tạo giáo dục đại học đang trở thành xu hướng mà nhiều trường đại học Việt Nam theo đuổi. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện cả nước đang có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác đào tạo, giao lưu, trao đổi giảng viên, sinh viên trong thời gian qua diễn ra sôi động mang tới gam màu tươi sáng hơn cho giáo dục đại học nước nhà.
Càng ngày xu hướng này càng phát triển, việc xây dựng mô hình đại học theo hướng chuẩn hóa theo tiêu chí quốc tế, đưa giáo trình và chương trình của các trường đại học quốc tế vào giảng dạy trong các trường đại học đang mở ra một kỷ nguyên mới trong việc đào tạo đại học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đào tạo trong nước.
Tại Trường Đại học Luật Hà Nội ngoài hệ cơ bản thì nhà trường tổ chức liên kết đào tạo cử nhân giữa Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Arizona, Hoa Kỳ; Trường Đại học Kinh tế quốc dân có chương trình liên kết với trường Đại học Lincoln, Anh; Chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết giữa Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học quốc gia Úc; Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội hiện có quan hệ hợp tác với trên 150 trường đại học, các tổ chức giáo dục – đào tạo quốc tế.
Hiện trường có 18 chương trình liên kết đào tạo với hơn 20 trường đại học đối tác đến từ 10 quốc gia, trong đó có 8 chương trình đào tạo bậc cử nhân, 10 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ… Ngoài ra, còn nhiều mô hình đại học như Đại học Việt – Nhật, Việt – Pháp, Việt – Đức… được xây dựng một cách bài bản, quy mô lấy mô hình các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài làm thước đo đang dần chiếm lòng tin đối với phụ huynh và sinh viên.
Với sự đa dạng các loại hình, mô hình liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế cho thấy một thực tế là quá trình hội nhập trong giáo dục đại học đang diễn ra mạnh mẽ, sinh viên ngày càng có cơ hội lựa chọn học tập trong môi trường giáo dục đẳng cấp quốc tế nhưng không cần phải đi du học.
Chia sẻ về hoạt động liên kết đào tạo, Giáo sư Trần Thị Vân Hoa – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, theo định hướng phát triển chiến lược của nhà trường thì đây chính là cách ngôi trường này tiếp thu, lan tỏa từ quá trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới.
Theo đó, quá trình làm việc với các cơ sở quốc tế, nhà trường đã tiếp thu công nghệ và hiểu được các đơn vị giáo dục quốc tế họ đưa ra các tiêu chí, chuẩn mực như thế nào để giữ sức hút cho các chương trình học tập. Từ đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát triển môi trường, chương trình học tập bằng tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế và đưa ra các quy định đối với các chương trình chính quy cũng đạt chuẩn như chương trình quốc tế.
Ngoài ra, nhà trường còn tiến hành trao đổi giữa các chương trình do Việt Nam cấp bằng và quốc tế cấp bằng, tiến tới mục tiêu quốc tế công nhận các chương trình đào tạo của Việt Nam. Điều này cũng góp phần thu hút được sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập, từ đó tăng tính quốc tế hóa trong môi trường học tập.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường – người từng bảo vệ luận án Tiến sĩ về khoa học giáo dục tại Đại học Potsdam, CHLB Đức năm 1995, trước đây làm việc tại Đại học Potsdam, CHLB Đức, nay là chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập cho rằng, hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng trong việc phát triển trường đại học trong bối cảnh quốc tế hóa và toàn cầu hóa.
Hợp tác quốc tế giữa các trường đại học sẽ hỗ trợ các trường đại học trong nước hiện đại hóa chương trình, nội dung, phương thức, phương tiện đào tạo theo xu hướng hội nhập quốc tế trong đào tạo đại học, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo đại học, phát huy ảnh hưởng của trường trong phạm vi quốc tế. Hợp tác quốc tế tăng cường sự hấp dẫn và mở ra nhiều cơ hội học tập cho sinh viên. Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học bao gồm nhiều hình thức khác nhau, như trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, mời thỉnh giảng, trao đổi sinh viên, thực hiện các khóa đào tạo liên kết.
Mang lại nhiều cơ hội cho người học
Phân tích sâu hơn về xu hướng này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội Đồng Trường Đại học FPT cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu hóa thì đại học không thể đóng cửa. Bởi vì bậc đại học chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực sau này tham gia nền kinh tế toàn cầu. Thực sự chất lượng giáo dục đại học là thước đo năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu của mỗi quốc gia.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu đào tạo nhân lực sau này có thể tham gia toàn cầu hóa thì chẳng có lý do gì các trường đại học lại đóng cửa, hoạt động một mình. “Hợp tác quốc tế trong đào tạo giáo dục đại học là gần như bắt buộc. Nếu trường nào không thực hiện hợp tác quốc tế thì đầu ra của sinh viên sẽ có vấn đề. Sinh viên sẽ không đủ kiến thức và các kỹ năng quốc tế” – ông Lê Trường Tùng nêu.
Cũng theo ông Lê Trường Tùng, mỗi trường đại học hiện nay có chiến lược riêng trong hợp tác quốc tế, mỗi trường hợp tác quốc tế ở mức độ khác nhau. Sứ mệnh của các trường đại học là đào tạo sinh viên, hợp tác quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho người học, hợp tác quốc tế sẽ giúp sinh viên có kỹ năng ngoại ngữ và nhiều kỹ năng toàn cầu khác.
Qua việc sử dụng giáo trình, phương pháp giảng dạy của các trường đại học nước ngoài đó là cách nhằm thu hẹp khoảng cách chất lượng đào tạo. Sinh viên có thể du học tại chỗ với học phí không quá cao như đi nước ngoài học tập. Qua việc hợp tác nhà trường nắm được những ưu điểm của chương trình nước ngoài.
Đánh giá về quá trình hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, (hiện là thành viên Ban kiểm duyệt tạp chí nghiên cứu quốc tế International Journal of Training Research, London; thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA); thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia) cho biết, việc liên kết đào tạo với các trường đại học của các nước phát triển ở Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, ThaiLand, hay Malaysia tương đối muộn.
“Phải sau những năm 90, khi đất nước mở cửa giáo dục đại học, Việt Nam mới bắt đầu có cơ hội để phát triển. Phải tới năm 2004, sau khi lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ để đánh giá chất lượng giáo dục đại học, thì giáo dục đại học ở Việt Nam mới có sự chuyển biến về chất và tiếp cận gần hơn với chuẩn chung của giáo dục đại học của các quốc gia phát triển.
Nhưng cho tới năm 2012, các quy định liên kết đào tạo với nước ngoài mới được ban hành. Như vậy, chủ trương này cũng chỉ được thực thi trong 10 năm trở lại đây. Có thể thấy dù chính sách này ra đời muộn, nhưng chỉ trong vòng 1 thập kỷ nó đã góp phần tạo nên bức tranh sinh động và đa dạng cho giáo dục đại học Việt Nam. Nó đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động trong tất cả các lĩnh vực và bước đầu bắt kịp với xu thế hội nhập quốc tế” – chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền phân tích .
Chất lượng- vấn đề cốt lõi
Trong hợp tác quốc tế trong đào tạo giáo dục đại học thì bài toán đảm bảo chất lượng, hợp tác thực chất là vấn đề cốt yếu nhất được đặt ra. Theo ông Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, có 2 yếu tố quan trọng cần chú trọng để đảm bảo chất lượng vượt trội của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Yếu tố thứ nhất, đó là tìm ra thế mạnh của mỗi bên (thế mạnh về chương trình đào tạo của trường và cơ sở đối tác) để từ đó phát huy thế mạnh của mỗi bên, tạo ra được một sản phẩm với những nét vượt trội. Yếu tố thứ hai là các trường phải nghĩ đến việc xuất khẩu, đưa những chương trình đào tạo ra nước ngoài.
“Việc hợp tác liên kết đào tạo không chỉ là câu chuyện hợp tác song phương mà còn là đa phương, nhiều bên cùng tham gia để có thể đáp ứng được nhu cầu của toàn cầu. Chúng ta cần phải nghĩ xa hơn, có một chiến lược để tìm ra những khía cạnh, những điểm vượt trội nhằm nâng cao chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế” – ông Đào Ngọc Tiến nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng cho rằng, vấn đề chất lượng đào tạo trong liên kết quốc tế là vấn đề đặt ra mà nhiều trường đại học quan tâm. Nếu như việc liên kết với các trường đại học danh tiếng, nằm trong bảng xếp hạng thế giới và do những trường này cấp bằng thì chất lượng không phải là vấn đề quá lo lắng. Bởi khi các trường này đào tạo và cấp bằng thì chất lượng họ kiểm soát theo chuẩn của các trường này, bằng cấp có giá trị toàn cầu. Trong khi đó, nếu chỉ là liên kết đào tạo nhưng do các trường đại học trong nước cấp bằng thì đó là vấn đề.
“Quan trọng học ra bằng do ai cấp. Nếu chỉ là các trường đại học trong nước cấp thì việc siết chặt quản lý là đương nhiên. Bởi, những trường gắn mác quốc tế nhưng thực chất là trường trong nước thì đó là vấn đề cần đặt ra. Còn nếu do đại học nước ngoài cấp bằng thì câu chuyện chất lượng không quá lo lắng” – ông Lê Trường Tùng nêu quan điểm.
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền thì phân tích, có thể thấy mô hình liên kết đào tạo nếu đi đúng hướng và phục vụ cho mục tiêu căn bản nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bắt kịp với các nền giáo dục đại học của các quốc gia phát triển thì nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, thúc đẩy sự phát triển của các trường đại học nói chung.
Tuy nhiên, theo thống kê gần đây có tới hơn 62% các trường đại học liên kết ở Việt Nam nằm ngoài bảng xếp hạng quốc tế các trường đại học uy tín, thậm chí có những trường còn thua cả thứ hạng một số trường trong nước cho thấy chất lượng mô hình liên kết đào tạo vẫn chưa như kỳ vọng. Do đó, hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học tới đây cần thiết đi vào chiều sâu.
Theo chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, việc đảm bảo chất lượng trong liên kết đại học cần có vai trò của Nhà nước. “Qua nghiên cứu các chính sách tôi thấy vấn đề này còn quy định chung chung, chưa thể hiện được tầm nhìn và mục tiêu cụ thể cho mô hình này. Nếu mục tiêu hướng tới là nâng cao chất lượng giáo dục đại học thì phải định hướng bằng cụ thể hóa các tiêu chí để lựa chọn trường liên kết, các trường liên kết phải ở top nào, ưu tiên lĩnh vực nào để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Khi định hướng đúng thì cần phải định ra mô hình liên kết. Mô hình liên kết hiện nay chúng ta chỉ mới tập trung vào 2 hình thức cơ bản, đào tạo 100% tại Việt Nam hoặc 50/50.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải hướng các đại học liên kết theo hình thức chuyển giao chương trình và chuyển giao công nghệ, có như vậy chúng ta mới có cơ hội để học hỏi và thiết kế chương trình riêng cho hệ thống giáo dục của mình. Còn nếu không chỉ là hình thức cho thuê địa điểm thu tiền” – chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền phân tích.
Còn bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Ở những trường đầu ngành, chúng ta rất tự tin vào quá trình liên kết đào tạo. Nhưng nhìn ở bức tranh rộng lớn hơn, ở mấy trăm trường đại học, nhìn ở hơn 300 chương trình đào tạo, chúng ta thấy vẫn còn trăn trở nhiều vấn đề. Đây đó vẫn có đối tác trong quá trình đào tạo, uy tín và chất lượng không bảo đảm. Đây đó còn trăn trở của người học, về việc chi khoản tiền không nhỏ cho đào tạo, nhưng bù lại, họ được cái gì? Không phải là bằng cấp mà là các chứng chỉ, khi đi vào thị trường lao động đã không được công nhận.
Đây là câu chuyện mà hàng ngày, hàng giờ chúng ta bắt gặp. Quay trở lại câu chuyện đang bàn là có hay không vấn đề “sính ngoại”, có hay không vấn đề chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng? Câu trả lời chắc chắn là có và số lượng cơ sở giáo dục đại học vi phạm về liên kết đào tạo không phải là ít”.
Rõ ràng có thể thấy hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học đang mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều mô hình tốt vẫn còn đó những mô hình hợp tác nặng về hình thức, chưa đáp ứng được kỳ vọng về chất lượng trong đào tạo. Vì thế, muốn có thêm những luồng gió mới vào giáo dục đại học nước nhà, thì điều cần làm nhất lúc này là làm thế nào để những xu hướng như hợp tác quốc tế trong đại học đi đúng “đường ray” của nó.
Nhiều quốc gia quan tâm đến thị trường giáo dục Việt NamTheo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT: “Nhiều quốc gia hiện nay rất quan tâm đến thị trường giáo dục Việt Nam. Sinh viên Việt Nam có chất lượng đầu vào tốt, các em cũng nhanh nhẹn trong việc tiếp cận với công nghệ mới, với chuyển đổi số, ngoại ngữ đầu vào tốt. Quốc gia hiện nay có nhiều chương trình ở Việt Nam có thể kể đến là Vương quốc Anh, chiếm số lượng lớn và áp đảo. Tiếp theo là Mỹ, Pháp, Úc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật, Newzealand… Hiện có khoảng trên 25 nghìn sinh viên đang theo học các chương trình liên kết nước ngoài trên cả nước” – bà Nguyễn Thu Thủy nêu. |
Trinh Phúc