Đại diện Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành đã có bài trình bày về nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo đến từ Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, các Hội quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi. Các bên cùng thảo luận về cách thức sẵn sàng ứng phó với những thảm họa phức tạp dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định: Việt Nam luôn đề cao cách tiếp cận đa phương và tinh thần nhân văn, hướng tới người dân trong cộng đồng, đề xuất nhiều giải pháp toàn diện cho các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy hợp tác giữa Liên Hợp quốc và ASEAN về duy trì hoà bình, an ninh khu vực.
Hiện nay, biến đổi khí hậu kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Việc lựa chọn chủ đề của Hội nghị “Châu Á – Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm họa” cùng các phiên thảo luận chuyên đề tại Hội nghị cho thấy sự chủ động cao, sẵn sàng trong mọi tình huống trước thảm họa của khu vực và nhấn mạnh thêm định hướng mới trong quản lý thảm họa, chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa, chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại do thảm họa; đồng thời thể hiện sự quan tâm của phong trào trước những thách thức và cơ hội trong hoạt động nhân đạo; tới xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đến lực lượng Tình nguyện viên, thanh niên Chữ thập đỏ, lấy thanh niên làm nhân tố cho sự phát triển, thanh niên truyền cảm hứng thúc đẩy sáng tạo, sẵn sàng trước thảm họa.
“Thực tiễn cho thấy, càng trong những lúc khó khăn, trong thảm họa, chúng ta càng phải đoàn kết hơn nữa, hợp tác bình đẳng, gắn bó hơn nữa để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Hợp tác và đoàn kết quốc tế cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng lực hoạt động nhân đạo và trong phòng ngừa, ứng phó với thảm họa” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và kỳ vọng thông qua Hội nghị, mối quan hệ hợp tác giữa các bên sẽ ngày càng được tăng cường.
Chia sẻ về chủ đề chính của Hội nghị năm nay, bà Bùi Thị Hoà – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực thường xuyên hứng chịu nhiều rủi ro, thiệt hại từ BĐKH, đặc biệt là những thảm họa thiên nhiên so với các châu lục khác. Trong đó, Việt Nam nằm ở tâm điểm của khu vực địa lý thường gánh chịu tác hại của thiên tai, thảm họa thiên nhiên và nằm trong danh sách 10 nước thiệt hại nghiêm trọng nhất.
Hội nghị lần thứ 11 đánh dấu một mốc quan trọng trong nỗ lực của các hội quốc gia nhằm giải quyết những thách thức nhân đạo mà khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Trước sự phức tạp, gia tăng và tính khốc liệt của các cuộc khủng hoảng, thảm họa do thiên tai, dịch bệnh và xung đột gây ra, nhu cầu hợp tác, chia sẻ và phối hợp hành động tạo thành sức mạnh của một phong trào thống nhất toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết và sống động hơn bao giờ hết.
Về tác động của thiên tai, BĐKH tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, các ngành/lĩnh vực có mức độ rủi ro cao do BĐKH là nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, nơi cư trú và hạ tầng kỹ thuật. Đây là những ngành/lĩnh vực có mức độ phơi bày và độ nhạy cảm cao với thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan.
Thời gian vừa qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và hành động quan trọng nhằm nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam đã từng bước được triển khai đồng bộ. Những nỗ lực này không chỉ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao mà còn thiết lập nhiều mối quan hệ và hợp tác hiệu quả. Tuy nhiên, công tác triển khai vẫn còn nhiều khó khăn do đây là vấn đề có tính liên vùng, liên ngành và BĐKH đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Để nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng với BĐKH một cách chủ động và hiệu quả, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, sự chung tay các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức Quốc tế, trong đó có các Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế là rất cần thiết.
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, bà Maha Barjas Hamoud Al Barjas, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế bày tỏ hoan nghênh việc Hội chữ thập đỏ Việt Nam là Hội quốc gia đầu tiên trên toàn cầu có Cơ chế hành động sớm để ứng phó với các đợt nắng nóng, và sóng nhiệt; và Luật hoạt động Chữ thập đỏ Việt Nam hiện đang trong quá trình xem xét và sửa đổi. Hiệp hội khuyến khích đẩy nhanh hơn các quy trình tài chính để chuyển ngân sách từ Hiệp hội sang Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhằm đảm bảo rằng các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc khủng hoảng nhận được hỗ trợ nhân đạo mà họ cần một cách sớm nhất.
“Hội nghị lần này tập trung vào việc đưa các Hội Quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông lại gần với nhau nhằm thảo luận về cách sẵn sàng ứng phó với những thảm họa phức tạp. Khi chúng ta nhận thấy nhu cầu nhân đạo ngày càng gia tăng, chúng ta cần phải làm việc khác đi trong cách cung cấp hỗ trợ nhân đạo, chú trọng dự đoán sát sao hơn các thảm họa và hỗ trợ nhanh hơn cho mọi người. Qua đó, giúp họ có khả năng tự chuẩn bị và ứng phó nhằm tránh thiệt hại về nhân mạng, và giảm thiểu tối đa tổn thất” – bà Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Trong 3 ngày diễn ra Hội nghị (21- 23/11), đại diện Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ của hơn 60 quốc gia cùng chia sẻ kinh nghiệm ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa; nhận diện những thách thức, cơ hội và tìm giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Các đại biểu khẳng định, sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức, quốc gia rất quan trọng. Đặc biệt, việc đầu tư cho phòng chống thiên tai, cảnh báo sớm sẽ tốn ít chi phí hơn nhiều so với khắc phục hậu quả thiên tai. Hội nghị tập trung xây dựng năng lực để các Hội quốc gia sẵn sàng ứng phó với thảm họa, tăng cường phối hợp tốt – hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến thúc đẩy hợp tác nhân đạo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.