(MPI) – Phát biểu tại Lễ bế giảng Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch, kết hợp Tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và dẫn dắt, đang được các địa phương, doanh nghiệp và trường đại học hưởng ứng mạnh mẽ và triển khai đồng loạt.
Sự kiện do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Cadence, Tập đoàn FPT và tổ chức Tresemi, Hoa Kỳ tổ chức với sự tham dự của Bí thư thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Lao động – Thương binh và Xã hội; cùng Lãnh đạo Thành ủy, UBND các tỉnh thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học đang tham gia đào tạo lĩnh vực bán dẫn. Cùng sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn FPT, Viettel,… Ngoài ra còn có sự tham gia của các học viên tham gia lớp đào tạo thiết kế vi mạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là những hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm chủ động triển khai Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Cùng với đó, NIC đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều khóa đào tạo với sự tham gia của các tập đoàn công nghệ như Qorvo, Cadence, ARM, Siemens, Google, Samsung, FPT, phối hợp với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Silicon Valley (Hoa Kỳ). Có thể nói, công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và dẫn dắt, đang được các địa phương, doanh nghiệp và trường đại học hưởng ứng mạnh mẽ và triển khai đồng loạt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và đánh giá cao sự đồng hành và ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các cơ quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.. đối với các chương trình, hoạt động phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn; đánh giá cao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, TreSemi và Tập đoàn FPT đã phối hợp triển khai thành công khóa học thời gian qua.
Với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng rằng mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư, cử nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có 15 nghìn cho công đoạn thiết kế sẽ sớm đạt được và đáp ứng được nhu cầu nhân lực bán dẫn trong và ngoài nước đến năm 2030.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghệ, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định rõ mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó ngành công nghiệp bán dẫn được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn.
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chủ động, chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam có lợi thế rất mạnh về nguồn nhân lực, nhưng nguồn nhân lực phải được đào tạo và việc tập trung đào tạo nhân lực cho ngành này là vấn đề mang tính chiến lược; là cơ hội góp phần phục vụ đẩy mạnh cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050”. Đề án đang trong giai đoạn lấy ý kiến lần cuối cùng của các bộ, ngành và được tổng hợp để trình Chính phủ. Đây là Đề án rất có ý nghĩa, là tầm nhìn, chiến lược của đất nước. Đồng thời nhấn mạnh, khi chúng ta có chiến lược tốt, hạ tầng tốt, thể chế tốt, nguồn nhân lực tốt sẽ quyết định thành công trong việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành ngành công nghiệp bán dẫn; bày tỏ tin tưởng rằng, với quyết tâm của các Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cùng các viện, trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế chũng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các chính sách để thu hút đầu tư và hình thành hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam; Bộ đang xây dựng Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Cũng trong tuần này, ngày 05/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Đây là những bước đi hết sức chủ động của Bộ nhằm phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030.
Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: MPI |
Bộ trưởng cũng bày tỏ vui mừng khi được nghe những chia sẻ của các đại biểu đến từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà trường về vai trò của mô hình liên kết giữa Nhà nước – Nhà Doanh nghiệp – Nhà trường. Theo đó, quá trình xây dựng chương trình, tuyển chọn học viên, tổ chức đào tạo và thực hành đều được thực hiện trên cơ sở liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành.
Các sinh viên, kỹ sư trẻ sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo đã được tuyển chọn tham gia vào đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho các công ty lớn trong ngành bán dẫn là minh chứng rõ ràng cho thấy kết quả của mô hình liên kết 3 Nhà trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Sự hợp tác hiệu quả này là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam.
Bên cạnh mô hình mô hình liên kết 3 Nhà để đào tạo kỹ sư trong công đoạn thiết kê vi mạch, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho NIC phối hợp với trường Đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ và các doanh nghiệp để triển khai các chương trình đào tạo về đóng gói, kiểm thử vi mạch. Chương trình được triển khai trên cơ sở hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ trong khuôn khổ Biên bản hợp tác ghi nhớ hợp tác phát triển nguồn nhân lực và hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam – Hoa Kỳ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Dự kiến đến năm 2025, chương trình tập trung đào tạo cho 120 giảng viên, 4 nghìn sinh viên Việt Nam từ 20 trường Đại học hàng đầu Việt Nam và hỗ trợ cho các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo về đóng gói, kiểm thử vi mạch.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, doanh nghiệp liên quan tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chĩ Dũng cũng chúc mừng với các bạn học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo. Các bạn sẽ là các kỹ sư xuất sắc, được lựa chọn để tham gia và đóng góp vào việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam trong kỷ nguyên tới. Những kiến thức, kỹ năng các bạn tích lũy và các sáng kiến đột phá các bạn tạo ra sẽ góp phần khẳng định năng lực của người Việt Nam trên thị trường nhân lực công nghệ toàn cầu và tô đậm hơn tên tuổi của Việt Nam trong bản đồ bán dẫn thế giới.
“Khi chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa gia nhập sân chơi bán dẫn toàn cầu, tôi kêu gọi mỗi người trong số các sinh viên, giảng viên, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp liên quan, hãy nắm lấy cơ hội này với niềm đam mê và quyết tâm cao. Chúng ta cùng chung tay tạo dựng môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, nơi những ý tưởng táo bạo được nuôi dưỡng và hiện thực hóa. Khi chúng ta cùng nhau nỗ lực không ngừng, hợp tác hài hòa, tận dụng và phát huy thế mạnh của mỗi bên thì không việc gì là không thể!”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, con đường phía trước còn dài và đầy thử thách. Tuy nhiên, nó cũng tràn đầy cơ hội. Chúng ta cùng cam kết tiếp tục xây dựng và phát triển toàn diện hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam với trụ cột là Nhà nước – Viện/trường – Doanh nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, góp phần đưa Việt Nam chủ động tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn; tranh thủ cơ hội này để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trở thành nước phát triển vào năm 2045 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-8-9/Hop-tac-Nha-nuoc–Vien-truong–Doanh-nghiep-la-donj56l63.aspx