AGRIBANK BÌNH ÐỊNH VÀ HỘI NÔNG DÂN TỈNH:
Hợp tác khơi dòng tín dụng, hỗ trợ nông dân
Sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Bình Ðịnh và Hội Nông dân tỉnh trong việc triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã giúp 2.980 hội viên nông dân vay 291,701 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho bà con nông dân các địa phương.
Thế mạnh của Hội Nông dân (HND) là có mạng lưới tổ chức rộng khắp, phủ kín các thôn, làng trong tỉnh; các cấp hội cũng quan tâm, hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Phát huy thế mạnh đó, năm 2016 Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định) đã ký kết với HND tỉnh triển khai Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Để dòng vốn tín dụng đến với hội viên nông dân, Agribank Bình Định đã xây dựng và cung cấp các sản phẩm cho vay phục vụ đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… đáp ứng nhu cầu của nông dân; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gia tăng tiện ích các dịch vụ, giúp nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay.
HND tỉnh cũng yêu cầu các cấp hội đẩy mạnh công tác phối hợp với phòng giao dịch Agribank tại địa phương; đồng thời thành lập các tổ vay vốn, nắm bắt nhu cầu vốn vay của hội viên nông dân; phối hợp với cán bộ ngân hàng hướng dẫn nông dân làm hồ sơ, thủ tục vay vốn. Tổ vay vốn như một kênh thẩm định nâng mức tín nhiệm của ngân hàng đối với người vay, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận vốn vay của ngân hàng. Trên cơ sở đó, ngân hàng xét duyệt, giải ngân vốn vay cho nông dân. Điểm cộng của tín dụng ưu đãi Agribank là khoản vay tín chấp có hạn mức khá cao – lên tới 200 triệu đồng; không chỉ có vậy với những hồ sơ hợp lệ, người vay được xét duyệt, giải ngân khá nhanh.
Ông Võ Văn Nhơn, ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Tôi đã nhiều lần vay vốn từ Agribank Vĩnh Thạnh để đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá lồng bè trên hồ Định Bình. Cùng với đó, tôi còn được dự nhiều lớp tập huấn do HND phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức. Có vốn lại biết cách áp dụng tốt tiến bộ KHKT vào thực tế sản xuất, cá tôi nuôi phát triển nhanh, ít bị mắc bệnh. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng. Kinh tế ngày càng phát triển, gia đình có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, chăm lo con cái chu đáo và tích lũy vốn để tái đầu tư.
Ông Võ Văn Nhơn (phía ngoài cùng), ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, đã sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư nuôi cá lồng bè trên hồ Định Bình. Ảnh: TIẾN SỸ |
Trong khi đó, hộ ông Nguyễn Thế Kỷ, ở xã Phước Thắng, hộ ông Trương Văn Thảo ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước lại phát huy nguồn vốn vay trên lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi tôm. Ông Trưởng Văn Thảo chia sẻ: “Thủ tục vay vốn gọn nhẹ, lãi suất hợp lý, lại không phải thế chấp tài sản, nên gia đình tôi đã vay vốn từ Agribank Tuy Phước để chuyển hướng từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi theo hướng thâm canh, qua đó tăng hiệu quả đầu tư nuôi tôm”.
Theo HND tỉnh, đến cuối tháng 5.2023, thông qua 179 tổ vay vốn tại các địa phương đã có 2.980 hội viên nông dân được vay vốn từ Agribank Bình Định để đầu tư phát triển kinh tế hộ với dư nợ gần 292 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Phần lớn các hội viên nông dân đã sử dụng và phát huy tốt hiệu quả số vốn được vay. Hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận và vay vốn từ Agribank Bình Định góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho hội viên; đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của các cấp HND. Nhờ đó, các phòng trào thi đua yêu nước do HND phát động thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia và đã đạt kết quả quan trọng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, tín dụng nông nghiệp, nông thôn luôn là ưu tiên hàng đầu của Agribank. Dư nợ cho vay đến cuối tháng 5.2023 tại Agribank Bình Định đạt hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó cho vay trên lĩnh vực “tam nông” chiếm khoảng 60% tổng dư nợ. Sự phối hợp giữa ngân hàng và HND trong thời gian qua đã góp phần đưa tín dụng ưu đãi theo Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 của Chính phủ đến với nhiều nông dân hơn; ngân hàng cũng kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn vay từ khách hàng. Ở phía ngược lại, HND có thêm một kênh vay vốn an toàn cho hội viên của mình.
PHẠM TIẾN SỸ