Việc thực hiện thành công đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao phải có sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Nông nghiệp sẽ tiếp tục là “bệ đỡ”
|
Chính phủ vừa duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 |
Thông tin tại tọa đàm “Đối tác công – tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp” ngày 30/1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp một cách hiệu quả cần phát huy vai trò của các bên có liên quan và các tác nhân trong chuỗi lúa gạo. Đồng thời thống nhất kế hoạch hoạt động, triển khai đề án 1 triệu ha lúa tại ĐBSCL cũng như các hành động ưu tiên trong ngắn hạn và dài hạn.
Hiện nay nông nghiệp, nông dân, nông thôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam xác định “là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Trong đó sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất trọng điểm, không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm quốc tế. Việt Nam là một trong số các nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao.
Để triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Việt Nam cần huy động các nguồn lực và tiến bộ kỹ thuật, một trong các công cụ quan trọng là “Mạng lưới Đối mới Sáng tạo lương thực, thực phẩm” tại Việt Nam được thành lập theo sáng kiến của Diễn đàn kinh tế thế giới, với mục tiêu liên kết các mạng lưới đổi mới trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm sẽ giúp mở rộng quy mô và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung để trở thành một cường quốc nông sản thực phẩm “xanh”, bền vững và ít phát thải. Ngành hàng lúa gạo được ưu tiên tập trung vào như một ví dụ điển hình khi triển khai mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh nỗ lực của cơ quan Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển chính sách, tạo môi trường thuận lợi phát triển, Việt Nam cũng rất coi trọng vai trò của doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia trong ngoài nước… trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Trong đó, hợp tác công tư hiệu quả và sự hỗ trợ từ các đối tác sẽ là chìa khóa thành công cho đề án.
Trước bối cảnh ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải chuyển mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần huy động các nguồn lực và tiến bộ kỹ thuật, một trong các công cụ quan trọng là Mạng lưới Đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV) được thành lập theo sáng kiến của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF)”.
Mục tiêu của FIHV là liên kết các mạng lưới đổi mới trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh. Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng, FIHV sẽ giúp mở rộng quy mô và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung để trở thành một cường quốc nông sản thực phẩm “xanh”, bền vững và ít phát thải.
Vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết, không chỉ từ những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới về gạo Việt. Lúa gạo là một trong những ngành có kinh ngạch xuất khẩu lớn, năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 8,1 triệu tấn, với kim ngạch gần 4,7 tỷ USD.