Ông Nguyễn Thành Thái, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại và hợp tác nhân lực TQC quốc tế chia sẻ như vậy với phóng viên TG&VN bên lề Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp ngày 15/12.
Ông Nguyễn Thành Thái, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại và hợp tác nhân lực TQC quốc tế (bên trái). (Ảnh: Tống Thoan) |
Các thách thức mới hiện nay mà doanh nghiệp xuất khẩu lao động thường gặp phải là gì?
Công ty chúng tôi đã hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và có giấy phép xuất khẩu lao động từ 19/11/2014. Trải qua 9 năm hình thành và phát triển, chúng tôi cũng đạt được các thành tựu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, đơn cử như việc đưa hơn 10.000 lao động sang làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Hiện nay, chúng tôi đang mở rộng khai thác thêm thị trường châu Âu như Hungary, Ba Lan, Slovakia, Czech, Đức.
Theo đánh giá của tôi, các thách thức, khó khăn mới mà doanh nghiệp xuất khẩu lao động thường gặp phải là:
Thứ nhất, hậu quả của đại dịch Covid-19 gây ra sự suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Từ đó, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc, cách thức hoạt động kinh tế, tác động trực tiếp đến xu hướng lao động, việc làm của nhiều quốc gia.
Thứ hai, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước vẫn xảy ra, chậm được khắc phục.
Thứ ba, năng lực của một số tổ chức doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu tính chuyên nghiệp.
Thứ tư, công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa được chú trọng.
TIN LIÊN QUAN | |
Press Corner: Cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài |
Đổi lại, cơ hội đối với doanh nghiệp của ông như thế nào?
Không thể phủ nhận, trong thách thức có cơ hội. Công ty cổ phần thương mại và hợp tác nhân lực TQC quốc tế thực hiện chủ trương đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo đảm đúng chủ trương, chính sách của pháp luật.
Chúng tôi có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, chú trọng đào tạo, định hướng cho lao động hiểu rõ về thị trường mà họ sang làm việc. Từ đó, giảm thiểu nhất tình trạng bỏ trốn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng trong việc hỗ trợ xử lý cho đối tác và lao động khi có phát sinh xảy ra. Tại mỗi thị trường, đều có cán bộ, nhân viên tại nước sở tại hỗ trợ, xử lý.
Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 và Hội nghị Ngoại vụ 21. (Ảnh: Anh Sơn) |
Ông mong muốn các Cơ quan đại diện nước ngoài, các bộ ngành hỗ trợ gì để vượt qua các thách thức nói trên và tiếp cận các cơ hội mới?
Trước hết, chúng tôi mong muốn Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán có thể hỗ trợ các công ty xuất khẩu lao động cung cấp thông tin đầy đủ về chính sách di trú và lao động của các quốc gia châu Âu và Australia. Điều này giúp chúng tôi hiểu rõ về môi trường kinh doanh và quy định lao động tại các thị trường mới.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ về quy định lao động và bảo vệ quyền lợi cho lao động xuất khẩu. Bộ cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho việc đàm phán với các đối tác nước ngoài để đảm bảo an toàn và chất lượng lao động.
Về phía Bộ Công thương, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ trong việc xây dựng chiến lược tiếp thị và quảng bá thương hiệu người lao động Việt Nam tại các thị trường mới. Các thông tin về môi trường kinh doanh và các cơ hội đầu tư tại các quốc gia đích sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nói chung và Công ty cổ phần thương mại và hợp tác nhân lực TQC quốc tế nói riêng đưa ra quyết định chiến lược hiệu quả.
Ngoài ra, các bộ, ngành khác như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính… cũng có thể hỗ trợ phía doanh nghiệp thêm thông tin và hỗ trợ chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau như công nghệ, đào tạo nhân sự, tài chính, nghiên cứu thị trường.
Sự hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội mới và vượt qua thách thức khi mở rộng kinh doanh ra các thị trường cao cấp, đồng thời, củng cố vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu lao động.
Xin cảm ơn ông!