Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành bán dẫn, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030. Tuy nhiên, có thể thấy, để hiện thực hóa mục tiêu này không phải là điều dễ dàng.
Để sớm đạt mục tiêu, thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ trong các cuộc tiếp xúc với đối tác quốc tế đều đề nghị hợp tác, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn. Mới đây nhất, tại buổi tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị Samsung hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.
Có thể thấy, trong số các đại học, trường đại học có đào tạo kỹ sư ngành bán dẫn hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có thể đào tạo khoảng 6.000 nhân lực có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Lộ trình đào tạo cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực bán dẫn của Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng. Còn tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), mỗi năm có hơn 1.000 sinh viên được đào tạo ngành liên quan đến vi mạch, bán dẫn. Đại học Quốc gia TPHCM cũng cam kết đào tạo khoảng 1.800 cử nhân/kỹ sư và 500 thạc sĩ thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn…
Bộ GD-ĐT thời gian qua cũng đã có các hội thảo, hội nghị về đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp bán dẫn. Qua các hội thảo, có thể thấy một vấn đề: nếu hợp lực giữa các trường thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Cùng với đó, các trường cũng chủ động hợp tác với các nước nhằm đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực này.
Đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn là vấn đề cấp thiết, ngoài các phòng thí nghiệm của các cơ sở đào tạo, mỗi khu vực nên xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung, đủ lớn và có quy chế khai thác, sử dụng, đặc biệt là mục đích đào tạo và nghiên cứu.
Bên cạnh đó, có thể thành lập trung tâm điều phối về việc đặt hàng đào tạo nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp. Nhu cầu 50.000 người có trình độ đại học trở lên để phục vụ công nghiệp bán dẫn là bài toán không dễ, nên phải có quyết tâm thật cao từ phía ngành giáo dục. Vấn đề đặt ra hiện nay là các cơ sở giáo dục đại học cần sẵn sàng đồng lòng, hợp lực trong đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.
Bộ GD-ĐT cần đóng vai trò điều phối trong việc thực hiện mục tiêu này, không nên để mạnh ai nấy làm, như tín hiệu đáng mừng là Đại học Quốc gia TPHCM đã có kế hoạch nghiên cứu đầu tư thêm 2 phòng thí nghiệm và xây dựng cơ chế cho các trường ở TPHCM sử dụng chung trong đào tạo lĩnh vực này.
LÂM NGUYÊN