10/05/2023 18:27
Chiều 10/5, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc chủ trì cuộc họp đánh giá công tác triển khai bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh. Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Kon Tum.
|
Theo báo cáo đánh giá tại cuộc họp, giai đoạn 2021-2023, công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa các DTTS đạt kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 137 làng đồng bào DTTS được hỗ trợ cồng chiêng; tổ chức được 143 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang; bước đầu đã triển khai công tác kiểm kê về trang phục truyền thống của 3 DTTS. Đến nay, toàn tỉnh có 434 nhà rông, cơ bản các làng đồng bào DTTS có cồng chiêng, nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy du lịch phát triển.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương đã trao đổi những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các DTTS như: Nguồn kinh phí để triển khai các chương trình, đề án còn thiếu; chế độ, chính sách cho nghệ nhân chưa được giải quyết kịp thời; công tác quy hoạch chưa đồng bộ; chưa chú trọng bảo tồn không gian làng, quang cảnh thiên nhiên; nguyên vật liệu tự nhiên để làm nhà rông, nhạc cụ truyền thống khan hiếm; sự tác động của việc giao thoa văn hóa…
|
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc đánh giá cao kết quả công tác bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh; ghi nhận và biểu dương một số địa phương, đơn vị đã thực hiện tốt, có hiệu quả cao trong thời gian qua.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác triển khai bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm ở lĩnh vực văn hóa trong giai đoạn 2020-2025. Vì vậy, trong thời gian sắp đến, đề nghị các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục có những giải pháp để triển khai có hiệu quả; kịp thời tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh quá trình thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện đảm bảo thời gian theo quy định. Theo đó, phấn đấu các làng DTTS đều có nhà rông, có cồng chiêng; tăng cường công tác truyền thông và giáo dục di sản văn hóa truyền thống; nghiên cứu, phục hồi các loại hình di sản văn hóa có tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho các thôn, làng đồng bào DTTS được chọn đề nghị cấp thẩm quyền xem xét công nhận điểm du lịch. Đồng thời, tạo đầu ra cho sản phẩm truyền thống; bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân lực làm công tác văn hóa.
Hoàng Thanh