08:16, 14/05/2023
Tình trạng họp chợ ven đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) rất cao đã tồn tại từ nhiều năm nay. Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã tăng cường các biện pháp xử lý, song tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.
Ghi nhận tại chợ Km38 đoạn qua xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) nằm dọc trên Quốc lộ 26 – tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông rất cao, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi mua, bán tồn tại nhiều năm nay.
Đặc biệt, vào các giờ cao điểm (sáng sớm và xế chiều), rất nhiều phương tiện trọng tải lớn như xe buýt, xe khách đường dài, xe tải chạy liên tục trên tuyến nhưng cả người mua và người bán vẫn dửng dưng, không lo ngại tai nạn xảy ra. Quan sát thực tế cho thấy, người bán bày hàng hóa chiếm hết vỉa hè, thậm chí tràn ra lòng đường, người mua cũng vô tư đậu, đỗ xe ở lòng đường gây cản trở giao thông.
Tài xế Nguyễn Văn Đức (huyện Krông Pắc) cho biết, anh thường xuyên chạy xe trên tuyến Quốc lộ 26, mỗi lần đi ngang qua khu vực người dân họp chợ lấn ra đường là anh phải giảm tốc độ, căng mắt ra quan sát để tránh va chạm. Còn anh Hoàng Tiến Nam (ngụ TP. Buôn Ma Thuột) không kém phần bức xúc: “Mỗi lần qua chợ Km38 tôi lại ngán ngẩm vì tình trạng họp chợ lấn chiếm đường giao thông. Nhất là buổi sáng sớm, khi các phương tiện qua lại nhiều, giờ cao điểm học sinh đi học, chỉ sơ suất một chút thì tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Lòng đường, vỉa hè Quốc lộ 26 đoạn qua xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) bị lấn chiếm làm nơi mua bán hàng hóa. |
Tương tự, trên tuyến Quốc lộ 27, đoạn qua huyện Cư Kuin có đến ba vị trí tồn tại tình trạng họp chợ dọc hai bên tuyến từ nhiều năm nay là chợ 19/8, chợ Việt Đức và chợ Trung Hòa. Đây là tuyến đường kết nối với tỉnh Lâm Đồng, kết nối trung tâm TP. Buôn Ma Thuột với các điểm du lịch ở huyện Lắk, do đó lưu lượng phương tiện lưu thông hằng ngày khá cao. Tình trạng họp chợ lấn chiếm lòng đường không chỉ gây mất trật tự, an toàn giao thông mà còn tạo ra hình ảnh không đẹp đối với khách du lịch mỗi khi đến Đắk Lắk. Chị Cao Thị Minh Tâm (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 vừa rồi, chị cùng gia đình đến Đắk Lắk du lịch. Trên đường đến du lịch hồ Lắk, chị thấy tuyến đường từ TP. Buôn Ma Thuột về điểm du lịch này nhỏ hẹp, đã thế trên tuyến có rất nhiều chợ họp ven đường. Dù có tài xế là người địa phương đưa cả nhà đi, song mỗi lần qua các vị trí này chị đều thấy ái ngại và sợ va chạm giao thông.
Không chỉ trên các tuyến quốc lộ, ở các tuyến đường nội thị, tình trạng họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng thường xuyên diễn ra. Ghi nhận tại đường Y Wang, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) cả một đoạn dài, gần như phần lòng đường sát vỉa hè phía bên cạnh chợ bị lấn chiếm làm nơi bày bán hàng hóa. Người bán và hàng hóa tràn ra lòng đường, đồng nghĩa với việc người mua, thậm chí cả phương tiện (chủ yếu xe máy) cũng dừng ở làn đường kế tiếp, gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đô thị.
Hàng hóa và người bán hàng tràn ra một phần lòng đường trên đường Y Wang (TP. Buôn Ma Thuột). |
Thực tế, đã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, trong đó nguyên nhân một phần do tình trạng người dân, tiểu thương họp chợ, lấn chiếm đường giao thông. Đơn cử như vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào giữa tháng 6/2020 tại tỉnh Đắk Nông khi một chiếc xe tải lưu thông trên đường Hồ Chí Minh lao vào chợ tự phát đoạn qua thôn 11, xã Đắk Rla (huyện Đắk Mil) khiến nhiều người thương vong.
Điều đáng nói, sau vụ tai nạn này, từ Chính phủ đến bộ, ngành Trung ương và địa phương đều có chỉ đạo quyết liệt yêu cầu chấn chỉnh và có giải pháp xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán, kinh doanh. Thế nhưng từ sau vụ tai nạn nói trên đến nay đến nay đã gần 3 năm, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi mua bán vẫn diễn ra ở khắp nơi, từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị đến đường nông thôn.
Hoàng Tuyết