Chủ trì họp báo có: Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco, Tổng thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ của IPU Dan Carden, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà – Phó trưởng Ban Tổ chức Hội nghị; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ trẻ Quốc hội khóa XV Nguyễn Anh Tuấn – Phó trưởng Ban Tổ chức Hội nghị; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà – Trưởng Tiểu ban Thông tin tuyên truyền.
Cùng dự họp báo cáo đại diện Ban Tổ chức Hội nghị và các Tiểu ban; đại biểu Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam khóa XV; đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin, Truyền thông, các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng hàng trăm phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế thường trú tại Việt Nam.
Thông tin về kết quả của Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết ngay từ khi đề nghị của Quốc hội Việt Nam được IPU chấp thuận, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã chuẩn bị tích cực cho công tác tổ chức, sớm thành lập Ban Tổ chức Hội nghị và các Tiểu ban. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban.
Việt Nam cũng dành nhiều kỳ vọng cho nội dung của Hội nghị. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp làm việc với các cơ quan hữu quan để thảo luận và lựa chọn được nội dung phù hợp trong bối cảnh hiện nay là “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà chia sẻ Việt Nam đã đạt được thành công lớn trong việc chuẩn bị nội dung của Hội nghị cũng như vận động sự tham gia, ủng hộ của các nghị sĩ trẻ các nước.
Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam cũng đã ghi dấu cho Hội nghị lần này khi đề xuất với IPU về việc thông qua Tuyên bố Hội nghị để tiếp tục thúc đẩy thực hiện “Tuyên bố Hà Nội: Các Mục tiêu phát triển bền vững – Biến lời nói thành hành động” năm 2015. Nội dung của Tuyên bố Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này gắn kết chặt chẽ với các nội dung của Tuyên bố Hà Nội năm 2015, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cả đất nước và giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.
Về diễn biến của Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, Hội nghị đã diễn phiên khai mạc, phiên bế mạc và 3 phiên thảo luận chuyên đề. Các phiên thảo luận đều diễn ra rất sôi nổi. Phiên khai mạc Hội nghị đã có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi thông điệp đến hội nghị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi hoa chúc mừng. Điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với thế hệ trẻ và các hoạt động của nghị viện.
Tại các phiên thảo luận chuyên đề bên cạnh các tham luận của các diễn giả còn có số lượng lớn các phát biểu trao đổi ý kiến của các nghị sĩ các nước và tổ chức quốc tế. Trong đó, Phiên thảo luận chuyên đề 1 về chuyển đổi số đã có 30 lượt ý kiến trao đổi, thảo luận của nghị sĩ các nước, đại diện các tổ chức liên kết và quan sát viên. Phiên thảo luận chuyên đề 2 về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã có 18 lượt ý kiến trao đổi, thảo luận. Phiên thảo luận chuyên đề 3 về thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững đã có 40 lượt ý kiến trao đổi. Các đại biểu đã làm việc một cách tích cực, do đó, phiên làm việc đã khéo dài hơn 1 tiếng so với dự kiến.
Tại Phiên bế mạc, Hội nghị đã nghe Báo cáo tóm tắt kết quả 03 phiên thảo luận chuyên đề. Chủ tịch IPU Duarte Pacheco và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc. Trong đó, Chủ tịch IPU đánh giá rất cao công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam; đồng thời kêu gọi nghị viện các nước, các nghị sĩ tích cực hành động giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.
Ngoài các phiên họp chính, trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Tọa đàm “Tăng cường năng lực số cho thanh niên”; triển lãm với chủ đề “Khát vọng Việt Nam”; chương trình giao lưu nghệ thuật trong khuôn khổ chương trình Hội nghị để giới thiệu các di sản văn hóa, nghệ thuật, truyền thống lịch sử Việt Nam đến với các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị; những thành tựu phát triển của dân tộc ra thế giới. Các đại biểu cũng sẽ tham quan Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại diện các cơ quan của Quốc hội cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương bên lề hội nghị với các đối tác.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà – Trưởng Tiểu ban Thông tin – Tuyên truyền nhấn mạnh có được thành công của Hội nghị lần này là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo xuyên suốt của Chủ tịch Quốc hội. Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà gửi lời cảm ơn các cơ quan hữu quan trong nước và quốc tế đã tích cực phối hợp với Ban Tổ chức Hội nghị; cảm ơn các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tác nghiệp, phục vụ hội nghị để kịp thời thông tin về hoạt động trong khuôn khổ hội nghị, và lan tỏa những thông điệp tại hội nghị.
Trao đổi tại họp báo về những vấn đề các phóng viên quan tâm, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco và Tổng Thư ký IPU đều bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao Việt Nam trong công tác tổ chức của nước chủ nhà. Tổng Thư ký IPU Martin Chungong nêu rõ kết quả của hội nghị vượt xa kì vọng, phá vỡ nhiều kỉ lục như số lượng đại biểu tham dự nhiều nhất từ trước đến nay. Tổng Thư ký IPU Martin Chungong nêu rõ Việt Nam thực sự đã có sự tiếp nối thành công của IPU-132 và có những đổi mới phù hợp với thời đại.
Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco chia sẻ khi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề xuất về việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, IPU đã không do dự để đồng ý. Có được điều này một phần là từ thành công của Đại hội đồng IPU-132 do Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm 2015. Việt Nam đã có công tác tổ chức hoàn hảo, Chủ tịch IPU nêu rõ. Đến nay, sau 3 ngày làm việc trong khuôn khổ của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này, Việt Nam tiếp tục khẳng định năng lực tổ chức của mình, từ đó góp phần vào thành công của hội nghị.
Liên quan đến những kết quả đạt được tại hội nghị, Chủ tịch IPU cho rằng những cam kết, thống nhất được đưa ra tại hội nghị mới chỉ là kết quả ban đầu. Điều khó khăn hơn còn ở phía trước chính là việc tổ chức triển khai thực hiện để đưa những cam kết, những nội dung của hội nghị vào thực tế. Điều đặt ra là các nghị sĩ sẽ làm gì khi trở về nước để thực hiện những đồng thuận đạt được tại hội nghị.
quochoi.vn