Phát sinh nhiều tiêu cực, vi phạm liên quan giấy khám sức khỏe

Trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng làm giả hoặc cấp khống, bán giấy chứng nhận sức khỏe, Trung tướng Tô Ân Xô đánh giá, tình trạng này đã xảy ra trong thời gian dài và ở nhiều địa phương, nhưng chưa ngăn chặn được triệt để do nhu cầu về giấy khám sức khỏe của người dân rất cao, để phục vụ đi học lái xe, xin việc hay liên quan bảo hiểm,… Từ đó phát sinh những tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã xác lập chuyên án đấu tranh làm rõ hành vi làm giả giấy tờ để trục lợi tiền bảo hiểm xã hội xảy ra tại một số phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn thành phố.

Quang cảnh buổi họp báo. 

Quá trình khám xét tại các phòng khám, địa điểm liên quan, lực lượng công an đã phát hiện và thu giữ hơn 130.000 giấy chứng nhận nghỉ làm được hưởng bảo hiểm xã hội; hơn 400 giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám.

Lực lượng công an cũng đã tạm giữ 18 đối tượng liên quan đến làm việc để phục vụ công tác điều tra.

Bước đầu, cơ quan Công an xác định có 2 đối tượng cầm đầu, cấu kết cùng các đối tượng khác tại các phòng khám bệnh trên thành phố Biên Hòa thực hiện hành vi mua bán các giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận nghỉ bệnh được hưởng bảo hiểm xã hội. Các đối tượng này đã làm giả các loại giấy tờ trên để bán cho công nhân lao động tại các công ty để quyết toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,… Những người mua các giấy tờ này không đi khám bệnh, không có bệnh nhưng vẫn được nghỉ và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Các đối tượng thực hiện việc mua bán hàng chục nghìn giấy tờ giả các loại từ các phòng khám nói trên rồi bán cho người có nhu cầu để hưởng lợi bất hợp pháp một số tiền rất lớn.

Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ toàn bộ các hành vi phạm tội.

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Ảnh: TTXVN 

Vận chuyển ma túy qua đường hàng không diễn biến phức tạp

Trả lời báo chí về công tác đấu tranh, phòng chống ma túy, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Bộ Công an luôn xác định tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, từ ma túy phát sinh các tội trộm cắp, cướp giật, giết người, cướp của,… nên Bộ Công an luôn chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an đã phát hiện, khởi tố trên 13.000 vụ án liên quan đến ma túy; với trên 20.000 đối tượng, thu giữ 14.225 kg heroin, hơn 4.000 kg ma túy…

Qua công tác đấu tranh nổi lên một số hiện tượng như: Tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên nhiều tuyến, nhiều địa bàn, có sự liên kết chặt chẽ với các loại tội phạm khác. Nổi lên việc các đối tượng người nước ngoài câu kết, móc nối với các đối tượng trong nước để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó là tình trạng đối tượng người nước ngoài lợi dụng các tuyến hàng không để chuyển trái phép chất ma túy tại một số sân bay tại Việt Nam. Hiện nay tình trạng này đang khá phức tạp.

“Điển hình là vụ tiếp viên hàng không vừa qua, Bộ Công an đã truy xét, lật lại các manh mối và đã bắt giữ hơn 200 đối tượng liên quan. Và việc điều tra này sẽ được tiếp tục” – Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.

Ngoài ra, tình trạng tổ chức sử dụng ma túy tại các vũ trường, quán bar, nhà cao tầng diễn biến phức tạp…

“Về giải pháp, bên cạnh ngăn chặn nguồn cung thì quan trọng nhất là phải làm giảm cầu, giảm số người sử dụng, nghiện ma túy”, Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

TTXVN