Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đã diễn ra nghiêm túc với sự chủ trì của các địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng tham gia hỗ trợ.
Kỳ thi đã giảm áp lực
Cả nước có trên 1 triệu thí sinh dự thi, đạt từ trên 95% đến 99% so với số đăng ký dự thi.
Trong 4 buổi thi, có 30 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó có 26 thí sinh bị xử lý đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh còn lại chịu mức khiển trách và cảnh cáo.
Con số này đã giảm rõ rệt so với năm trước (năm 2023 là 41 thí sinh bị đình chỉ thi). Không có cán bộ vi phạm quy chế.
Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Huỳnh Văn Chương, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng kỳ thi được phân cấp cho địa phương chủ trì toàn diện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ chịu trách nhiệm ban hành các văn bản chỉ đạo, làm đề thi và thực hiện thanh tra, giám sát. Cách tổ chức này đã giảm áp lực cho kỳ thi, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các địa phương.
Bộ Giáo dục tiếp tục bác tin đồn “lộ đề”
Ngay sau buổi thi môn ngữ văn, nhiều thí sinh hồ hởi vì “trúng tủ”. Trước đó thông tin tràn lan trên mạng về việc đề thi ra vào tác phẩm Đất nước (của Nguyễn Khoa Điềm). Một số thông tin bàn tán được cho là gần với nội dung đề thi.
Về điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị hội đồng đề thi báo cáo và khẳng định “đề thi văn được bảo mật tuyệt đối”.
Tại cuộc họp báo, trả lời Tuổi Trẻ Online về quy trình xác minh thông tin “lộ đề”, ông Nguyễn Ngọc Hà, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, trưởng ban đề thi, khẳng định theo báo cáo của ban đề thi không có việc lộ, lọt đề thi.
Tuổi Trẻ Online đặt tiếp câu hỏi: “Bộ có phối hợp với công an xác minh không hay chỉ dựa vào báo cáo của ban đề thi?”. Ông Ngọc Hà cho rằng: Một bằng chứng cho thấy có lộ lọt phải là xuất hiện bản đề thi trùng cả phần ngữ liệu và yêu cầu trong đề thi. Nhưng việc này không có.
Tuổi Trẻ Online cũng đặt câu hỏi về việc xây dựng đề thi ngữ văn cho năm sau có sử dụng ngữ liệu nằm ngoài chương trình – sách giáo khoa để giảm bớt tình trạng đồn đoán trước đề thi không? Ông Phạm Ngọc Thưởng, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ chối trả lời câu hỏi này với lý do “cuộc họp báo chỉ về kỳ thi 2024”.
Sau nhiều ý kiến của báo chí tiếp tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời nội dung Tuổi Trẻ Online đã đặt ra, Thứ thưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết đề thi văn của kỳ thi năm 2025 sẽ sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa.
Tại họp báo, Tuổi Trẻ Online cũng băn khoăn về việc chấm thi môn văn với các câu hỏi mở, liệu những bài thể hiện cá tính, quan điểm khác biệt của thí sinh có được cho điểm không hay chỉ những quan điểm trùng với quan điểm của người ra đề, người chấm thi?
Ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết khi xây dựng đề thi đã phải đảm bảo một số tiêu chí, trong đó có định hướng giáo dục. Tuy nhiên ở những câu hỏi mở “nếu thí sinh viết đúng và thuyết phục thì sẽ xem xét”. Câu trả lời cũng chưa thực sự thỏa mãn câu hỏi của báo chí.
Ông Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng các môn xã hội nói chung và môn văn nói riêng có những thí sinh thể hiện sự sáng tạo, vượt ra ngoài hướng dẫn chấm thi. Việc này cũng có thể khiến cán bộ chấm thi gặp khó nhưng trên thực tế, có nhiều bài thi đạt điểm 9, 10 chứng tỏ sự sáng tạo của thí sinh đã được ít nhất hai giám khảo chấp nhận.
Trước đó, nhiều thí sinh và thầy, cô giáo lo ngại những thí sinh có quan điểm quá khác biệt, mặc dù hợp lý cũng có thể không có điểm vì trái với quan điểm người ra đề, người chấm thi.
Công bố điểm thi vào ngày 17-7
Theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, hội đồng chấm thi của các địa phương cũng bắt đầu làm việc. Các hội đồng chấm thi trắc nghiệm đã đảm bảo các điều kiện về máy móc thiết bị phục vụ công tác chấm thi trên máy.
Hội đồng chấm thi tự luận sẽ họp để thống nhất về hướng dẫn chấm thi trước khi bắt đầu chấm.
Dự kiến 8h ngày 17-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả điểm thi của thí sinh cả nước. Các sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
Sau khi có điểm thi, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học sẽ đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trinh giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chưa phát hiện thiết bị công nghệ cao sử dụng gian lận thi
“Chưa phát hiện thiết bị công nghệ cao sử dụng vào mục đích gian lận trong kỳ thi”, thiếu tướng Trần Đình Chung, phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, khẳng định tại cuộc họp báo. Trước kỳ thi, Bộ Công an đã rà soát việc mua bán thiết bị công nghệ cao để ngăn ngừa từ xa.
Ông Chung cũng cho biết trước đó cơ quan công an vào cuộc xác minh tin đồn thất thiệt về đề thi trước kỳ thi và xác minh được đối tượng phát tán clip. Bộ Công an sẵn sàng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xác minh nếu tiếp tục có những thông tin liên quan tới gian lận thi cử.
TP.HCM: Một thí sinh ngất xỉu tại trường thi
Chiều 28-6, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có báo cáo nhanh về kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, trong ngày thi đầu tiên 27-6, TP.HCM có một thí sinh đau bụng cần hỗ trợ (điểm thi THPT chuyên Lê Hồng Phong) và một thí sinh bị bệnh tiêu hóa phải đưa bệnh viện (được hướng dẫn quy trình và thủ tục đặc cách).
Cũng trong ngày thi đầu tiên, TP.HCM có 2 thí sinh vi phạm quy chế thi, do mở tài liệu thu nhỏ. Hai thí sinh này đều là thí sinh tự do.
Trong ngày thi 28-6, vào buổi thi tổ hợp, TP.HCM có 1 thí sinh ngất xỉu trong hội đồng thi và đã được đưa vào bệnh viện quận.
Trong buổi thi môn ngoại ngữ, thí sinh TP.HCM đăng ký thi các môn ngoại ngữ sau: Anh, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn. Trong đó, thí sinh thi môn tiếng Anh đông nhất với 73.028 thí sinh, vắng 320 thí sinh; có 124 thí sinh dự thi môn tiếng Pháp, 176 thí sinh thi tiếng Trung, 12 thí sinh thi tiếng Đức, 76 thí sinh thi tiếng Nhật và 22 thí sinh thi tiếng Hàn.
20-7: Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển tại Hà Nội và TP.HCM
Để hỗ trợ thí sinh trong việc lựa chọn nguyện vọng xét tuyển phù hợp, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và các đơn vị phối hợp khác tổ chức hai ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển tại Hà Nội và TP.HCM vào ngày 20-7.
Ngày hội với sự tham gia của hàng trăm trường đại học, cao đẳng, đơn vị giáo dục trong và ngoài nước, mời phụ huynh và thí sinh tham dự.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hop-bao-bo-giao-duc-thong-tin-them-vu-de-thi-van-giong-de-tren-mang-20240628161937539.htm