Chiều 11/8, đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh sơ kết, đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/7/2023, bàn nhiệm vụ công tác thời gian tiếp theo của năm 2023; thống nhất chủ trương giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình.
Tham dự có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện Thường trực Huyện ủy Quảng Hòa; tổ trưởng, tổ phó Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; thành viên tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy.
Tính đến ngày 31/7/2023, tỉnh giải ngân 118 tỷ 070 triệu đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 3.454/14.697 hộ (trong đó, hỗ trợ 96 tỷ 370 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững cho 2.618 hộ, đạt 86,92%; nguồn vốn xã hội hóa hỗ trợ 11 tỷ 547 triệu đồng cho 283 hộ; tạm ứng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cho 211 hộ gia đình chính sách, người có công với tổng số tiền 4 tỷ 820 triệu đồng; tạm ứng 5 tỷ 333 triệu đồng từ nguồn vốn xã hội hóa cho 342 hộ.
Tình hình hỗ trợ cho 5.250 hộ nằm trong Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của UBND tỉnh: có 3.677 hộ hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở (13 hộ lắp ghép, 2.220 hộ xây mới, 380 hộ sửa chữa “2 cứng”, 1.064 hộ sửa chữa “3 cứng”), trong đó, hỗ trợ từ nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững 2.146 hộ (1 hộ lắp ghép, 1.362 hộ xây mới, 188 hộ sửa chữa “2 cứng”, 595 hộ sửa chữa “3 cứng”), đã giải ngân 82 tỷ 459 triệu đồng; từ nguồn xã hội hóa hỗ trợ 270 hộ (195 xây mới, 5 sửa chữa “2 cứng”, 70 sửa chữa “3 cứng”), đã giải ngân 10 tỷ 780 triệu đồng; tạm ứng 4 tỷ 820 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ 211 hộ gia đình chính sách, người có công. Công tác kiểm tra, giám sát được các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện; qua kiểm tra, giám sát tại cơ sở, chất lượng hồ sơ cơ bản được nâng cao, chất lượng nhà ở của các hộ sau khi xây dựng đảm bảo theo quy định.
Quá trình thực hiện Đề án gặp một số khó khăn, hạn chế do tỉnh có nhu cầu rất lớn về hỗ trợ về nhà ở (gần 12.600 hộ có nhu cầu hỗ trợ) nhưng ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG về hỗ trợ nhà ở mới chỉ đáp ứng gần 76% nhu cầu của tỉnh, ngân sách địa phương, huy động từ nguồn xã hội hóa còn hạn chế. Nhiều hộ gia đình đến thời điểm hiện tại đã thoát nghèo, thoát cận nghèo, do đó không thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của các CTMTQG. Nhiều hộ gia đình được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách khác (chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg…) từ 10 năm trở lên, số tiền hỗ trợ không lớn (5 – 6 triệu đồng), hiện nay các hộ này vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn, hiện trạng nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ về nhà ở để đảm bảo ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, các trường hợp này không thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của CTMTQG giảm nghèo bền vững…
Hội nghị tập trung đánh giá những khó khăn, vướng mắc, bàn các giải tháo gỡ theo hướng tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chú trọng lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình của Trung ương (nhất là từ các CTMTQG) các đề án, dự án của tỉnh và huy động các nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; vận động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, hộ gia đình được hỗ trợ trong quá trình thực hiện chương trình. Giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thủ tục chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất cho các hộ dân theo quy định của pháp luật; ban hành hướng dẫn và tổ chức thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê nhấn mạnh: Cần tiếp tục nhất quán thực hiện theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đặc biệt là xung quanh đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ kinh phí theo đúng định mức, đảm bảo tiêu chí 3 cứng, phương pháp, cách làm huy động sức mạnh tổng hợp, cùng phát huy vai trò chủ thể của hộ gia đình.
Để tiếp tục thúc đẩy chương trình hoàn thành 100% nguồn vốn giao năm 2023, tạo đà cho các năm sau, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn, dứt khoát không để tồn vốn, ko để bức xúc tồn tại trong quá trình thực hiện. Đề nghị các huyện khẩn trương bố trí kinh phí đối ứng; tiếp tục rà soát đối tượng, phân loại rõ đối tượng; nguồn chi trả hỗ trợ, nguồn vốn đã giao. Khẩn trương xử lý các vướng mắc về thủ tục thanh toán, quyết toán đối với các hộ đã triển khai, nhất là thủ tục liên quan đến đất đai, dứt khoát thực hiện xong phần vốn giao đạt 100% trong năm 2023. Sử dụng nguồn vốn xã hội hóa của tỉnh, huyện để chi trả cho các hộ làm xong nhà nhưng vướng mắc về đối tượng đã được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác.
Lực lượng công an tăng cường giám sát đối tượng, giám sát chất lượng nhà, giám sát chi trả kinh phí hỗ trợ gắn với đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Tiếp tục tuyên truyền các hộ nằm trong đề án chủ động nguồn lực đối ứng. Ưu tiên bố trí những hộ còn nhiều khó khăn, đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa tất cả các cấp. Huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy vai trò chủ thể của hộ gia đình trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Diệu Hoa