Chiều 6/6, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), giai đoạn 2021 – 2025 họp thông qua các dự thảo báo cáo kết quả chỉ số PCI của tỉnh năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp năm 2023; Kế hoạch nâng cao chỉ số PCI của tỉnh năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bích Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì. Tham dự có thành viên, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Nâng cao chỉ số PCI tỉnh.
Theo báo cáo kết quả chỉ số PCI năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, Cao Bằng xếp hạng 63 trong bảng tổng sắp các tỉnh, thành trong cả nước với 59,58 điểm, tăng 3,29 điểm. Trong 10 chỉ số thành phần PCI, tỉnh có 7/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2021 gồm: Chi phí gia nhập thị trường tăng 0,1 điểm; tiếp cận đất đai tăng 0,27 điểm; chi phí thời gian tăng 0,39 điểm; chi phí không chính thức tăng 1,25 điểm; tính năng động tăng 0,34 điểm; đào tạo lao động tăng 0,14 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 0,65 điểm.
Do mức độ tăng điểm không nhiều nên chỉ có 5 chỉ số tăng thứ hạng so với năm 2021 là: Tiếp cận đất đai tăng 2 bậc; chi phí không chính thức tăng 5 bậc; tính năng động tăng 20 bậc; đào tạo lao động tăng 13 bậc; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 4 bậc. 4 chỉ số giảm thứ hạng: Chi phí gia nhập thị trường giảm 7 bậc; tính minh bạch giảm 26 bậc; chi phí thời gian giảm 1 bậc; cạnh tranh bình đẳng giảm 5 bậc. Có 1 chỉ số giữ nguyên thứ bậc là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Nguyên nhân do các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Trung ương chưa đủ đáp ứng mong đợi và nhu cầu của doanh nghiệp; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các loại hình nhỏ và siêu nhỏ nên khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công, các gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ; các doanh nghiệp phải đối diện trước sức ép về chi phí lớn khi giá cả hàng hóa, dịch vụ và lãi suất tín dụng có xu hướng gia tăng, khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm đối tác kinh doanh, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vốn đã gặp nhiều khó khăn trong hơn 2 năm chống chịu bởi đại dịch Covid-19; trên địa bàn tỉnh chưa có khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh để làm cơ sở thu hút đầu tư; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vẫn chưa có thói quen hoặc chưa chủ động nộp hồ sơ trực tuyến nên tỷ lệ thủ tục hành chính trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh còn thấp…
Tỉnh phấn đấu tăng điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 và tăng bậc xếp hạng so với năm 2022; tiếp tục duy trì, nâng cao các chỉ số thành phần thuộc nhóm xếp hạng khá, tập trung cải thiện các chỉ số thành phần thuộc nhóm xếp hạng trung bình, các chỉ số thành phần có điểm số, thứ hạng thấp như: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bích Ngọc đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tích cực thực hiện tốt hơn trên cơ sở các mục tiêu kế hoạch đề ra. Các đơn vị được giao chủ trì làm đầu mối tích cực xây dựng các kế hoạch chi tiết, cụ thể hơn, có thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; tập trung nâng cao năng lực cán bộ công chức về công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả hơn. Trên cơ sở các nhiệm vụ chi tiết, nhiệm vụ nào thuộc các huyện, thành phố thực hiện, thành viên Ban chỉ đạo được giao phụ trách các huyện, Thành phố đó kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện.
Người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, Thành phố tiếp tục quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc triển khai thực hiện; chủ động đề xuất giải pháp đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Diệu Hoa