Với mong muốn “Mang Việt phục đến gần hơn tới trái tim người trẻ”, chương trình nhạc kịch kết hợp yếu tố thời trang “Sắc cổ viễn xưa – Hồn Việt trong vạt áo” đã dẫn dắt khán giả trẻ đến những câu chuyện và ý nghĩa của từng bộ Việt phục.
Sắc cổ viễn xưa – Hồn Việt trong vạt áo do nhóm 60 sinh viên khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang tổ chức.
Thay vì sử dụng hình thức kể chuyện thông thường, nhóm sinh viên sáng tạo nên một vở nhạc kịch.
Đó là câu chuyện của nhà thiết kế trẻ tên Minh Hiên và hành trình đi tìm lại cảm hứng để làm mới các bộ Việt phục. Nhà thiết kế trẻ mang trong mình trăn trở lớn là làm sao giữ được nét cổ xưa của Việt phục mà vẫn tiếp thu thêm những nét mới của thời trang hiện đại.
Trong cuộc hành trình này, khán giả theo chân Minh Hiên về quê nhà – nơi có những người ông, người bà có nhiều ký ức gắn liền với cổ phục. Chính bộ sưu tập Việt phục của ông ngoại để lại cùng tình yêu Việt phục của những người lớn tuổi trong làng đã giúp Minh Hiên tìm được cảm hứng và hoàn thành bộ sưu tập.
Trong khuôn khổ vở diễn, các sinh viên còn đưa ra những ý tưởng đưa Việt phục đến gần hơn với người trẻ như: tổ chức các buổi biểu diễn, tích cực truyền thông trên mạng xã hội hay sáng tạo những thiết kế Việt phục kết hợp áo cử nhân như trào lưu trong giới trẻ thời gian qua…
Đặc biệt, kiến thức về Việt phục được các sinh viên lồng ghép khéo léo vào các chi tiết và lời thoại của nhân vật. Phần cuối vở nhạc kịch là màn trình diễn 8 bộ Việt phục ba miền thời nhà Nguyễn. Những bộ trang phục lần lượt xuất hiện như áo ngũ thân, áo tứ thân, áo Nhật Bình… kèm thông tin chi tiết về thiết kế, tầng lớp sử dụng, trang sức đi cùng… nhằm cung cấp thông tin cho khán giả.
Vương Minh Thư, trưởng ban tổ chức, chia sẻ: “Trong quá trình lên ý tưởng, ban tổ chức nhận thấy một bộ phận giới trẻ hiện nay chưa thực sự phân biệt được Việt phục và trang phục nước ngoài. Thêm vào đó, Việt phục có quá nhiều thay đổi, không còn giữ được bản chất vốn có. Sắc cổ viễn xưa ra đời nhằm mở ra cơ hội để sinh viên được trau dồi, học hỏi và cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp của Việt phục, đồng thời, mở rộng góc nhìn về lịch sử dân tộc và hành trình tạo nên nét văn hóa trong Việt phục cổ”.
ĐỖ HOÀI THƯƠNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/hon-viet-trong-vat-ao-muon-nhac-kich-noi-ve-trang-phuc-truyen-thong-dan-toc-post753868.html