Qua bao thăng trầm lịch sử, phố Hội vẫn còn đó những mái nhà rêu phong với mảng tường sơn vàng, những cánh cửa gỗ phía trên có đôi mắt cửa huyền bí.
Và, trong một ngôi nhà cổ đặc biệt, có hàng trăm chiếc mặt nạ giấy bồi đã làm nên không gian văn hóa độc đáo cho thành phố di sản Hội An.
Đây chính là nơi nghệ nhân Bùi Quý Phong tạo tác và giới thiệu mặt nạ giấy bồi do chính tay ông vẽ. Ông đã dành hàng chục năm để làm nên những chiếc mặt nạ qua nhiều công đoạn từ đắp thạch cao hay xi măng, dán giấy bồi, quét vôi, phơi, vẽ, tô màu…
Trong đó, cái khó nhất là thổi hồn vào từng chiếc mặt nạ qua từng nét vẽ để nó vừa sống động, vừa thể hiện đậm nét giá trị nghệ thuật dân gian và văn hóa Việt Nam.
Trong vài chục ngàn chiếc mặt nạ mà nghệ nhân Bùi Quý Phong đã làm với nhiều chủ đề như mặt nạ trẻ em, mặt nạ tuồng cổ, mặt nạ hiện đại, ông ưa thích nhất là vẽ những mặt nạ mang đặc trưng của nghệ thuật hát bội (tuồng).
Mỗi chiếc mặt nạ thủ công này đều có câu chuyện và ẩn chứa hồn phách riêng.
Ông gọi tên chúng là “mặt nạ thời gian” bởi ông lý giải khi nhìn vào đó ta có thể thấy được những tầng lớp ý nghĩa văn hóa mang dấu ấn thời gian của dân tộc.
Nghệ nhân Bùi Quý Phong luôn cảm thấy tự hào khi những chiếc mặt nạ giấy bồi ngày càng được du khách trong nước và quốc tế ghé thăm Hội An biết đến nhiều hơn.
Đối với ông, đây chính là cơ hội để quảng bá văn hóa Việt Nam.
Tạp chí Heritage