Dưới chân tượng đài Khu Di tích lịch sử – thắng cảnh Ba Hòn (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Ðất, tỉnh Kiên Giang), tôi cúi mình dâng bó hoa tươi thắm lên bia mộ có khắc hình ảnh và tên người nữ anh hùng Phan Thị Ràng.
Bằng tất cả niềm tôn kính, tôi bồi hồi nhớ đến những dòng trong “Hòn Ðất”: Kìa, chị đang khẽ mỉm cười và lặng lẽ. Kia, khuôn mặt trái xoan thon thả của chị đang mở to đôi mắt đẹp đẽ chân thật. Kia là mái tóc óng mượt mà cả Hòn Ðất ai cũng lấy làm hãnh diện…
Tiểu thuyết và đời thật
Trên diện tích vài trăm hecta, Khu Di tích lịch sử – thắng cảnh Ba Hòn (Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Quéo) là nơi tiếp giáp giữa biển và đất liền. Thiên nhiên đã kiến tạo cho những hòn này hệ thống hàng trăm hang, hầm thông nhau, tạo thành thế phòng thủ lý tưởng cho những trận đánh không cân sức trong cuộc chiến chống Mỹ.
Nơi đây từng diễn ra những trận đánh kéo dài nhiều ngày đêm giữa ta với địch và nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh như thế.
Chân dung liệt sĩ – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng
Trên đỉnh Hang Hòn nhìn về bốn phía thấy xanh ngắt một màu cây trái, gió từ biển mang theo hương vị mặn nồng như thì thầm những câu chuyện không bao giờ dứt. Lần đầu tiên đứng trên Hòn Đất anh hùng đã đi vào huyền thoại, từng câu, từng chữ trong tác phẩm tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Đức cứ ùa về như hiện diện giữa đời thực: Chị Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái sai đã thắm hồng da dẻ chị. Chính tại rẻo đất này, mẹ chị đã hát ru chị ngủ… Chính tại đây, chị đã giơ nắm tay nhỏ nhắn lên chào lá cờ Đảng…
Tôi đứng lặng bên mộ chị Phan Thị Ràng khá lâu, lắng nghe tiếng gió lùa qua hang đá mà cứ ngỡ như lời nói dõng dạc, bất khuất của chị năm xưa trước những đòn tra tấn đến tan xương nát thịt của kẻ thù hung bạo. Mộ chị nằm dưới chân Hang Hòn, tựa lưng vào vách núi, hướng ra con đường nơi có chợ Thổ Sơn sầm uất. Trước mộ là một hồ nước rộng, thả rất nhiều sen. Nhìn vào cảnh vật ấy, khó có thể hình dung được nơi đây từng là bình địa, bị giặc cày nát với muôn ngàn hố bom san sát.
Trên đường đến đây, tôi hỏi về mộ nữ anh hùng Phan Thị Ràng, vài người lắc đầu, bảo không rõ. Đến khi gặp một ông lão trong quán nước nhỏ bên dòng sông Kiên Bình, tôi được chỉ dẫn cặn kẽ. “Cháu hỏi đường vào mộ chị Sứ à? Đi thêm 2 km nữa có đường rẽ về phía Tây, đi thẳng theo hướng hòn chừng 10 km nữa là đến” – ông nhiệt tình.
Mộ nữ anh hùng Phan Thị Ràng (chị Sứ) trong Khu Di tích lịch sử – thắng cảnh Ba Hòn
Trên xứ sở của nữ anh hùng Phan Thị Ràng, người ta hiểu chị Ràng chính là chị Sứ trong tác phẩm văn học “Hòn Đất” và chị Sứ là nhân vật trong đời thực. Cũng trên đường đi, tôi ngang qua một ngôi trường mang tên Phan Thị Ràng, bên dưới vẫn mở ngoặc ghi thêm dòng chữ nhỏ: Chị Sứ. Trong nhà tưởng niệm Khu Di tích lịch sử – thắng cảnh Ba Hòn, dưới ảnh thờ liệt sĩ Phan Thị Ràng cũng có thêm dòng ghi chú giản dị: Chị Sứ.
Đến chết vẫn hiên ngang
Thằng Xăm chùn tay, thở hồng hộc. Hắn liếc nhìn lưỡi dao, ngờ vực. Nhưng đây nào phải vì lưỡi dao Mỹ không bén! Đây tại bởi tóc chị Sứ dày quá. Đây chính bởi lưỡi dao chạm phải một suối tóc tốt tươi nhất, suối tóc của hai mươi bảy tuổi đời con gái, vừa mượt vừa dày, gồm muôn ngàn sợi bền chặt rủ từ đỉnh đầu bất khuất đó rủ chấm xuống sát đôi gót chân bất khuất đó…
Đứng trước chân dung của chị Phan Thị Ràng, nhìn ánh mắt cương nghị và suối tóc đen dày, rồi liên tưởng những câu văn sống động như đời thật trong tác phẩm “Hòn Đất”, dù ai cứng rắn lắm cũng khó cầm được nước mắt.
Tác phẩm văn học miêu tả chị Sứ hy sinh ở tuổi 27 nhưng thật ra ngoài đời, chị Phan Thị Ràng nằm xuống ở tuổi 25 – tuổi xuân thời đẹp nhất của người con gái chưa chồng. Trong thực tế, chị Phan Thị Ràng mới đính hôn và đến khi chết vẫn chưa từng được một lần nắm tay người yêu vì sự ngăn trở của chiến tranh khốc liệt. Còn trong tiểu thuyết, chị Sứ có chồng đi tập kết ra miền Bắc, chị ở nhà nuôi con nhỏ và hoạt động cách mạng.
Một góc yên bình ở Thổ Sơn hôm nay
Em ruột nữ anh hùng Phan Thị Ràng, ông Phan Văn Mỳ (Sáu Mỳ) cho biết chị là người con thứ tư trong gia đình nên ở nhà thường gọi là Tư Ràng. Quê chị ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nhưng tên tuổi chị lại gắn liền với xứ sở anh hùng Hòn Đất.
Cha chị Phan Thị Ràng mất sau khi bị thực dân Pháp bắt giam và đánh đập dã man do tham gia Việt Minh. Đến năm 1953, mẹ chị tái giá với ông Nguyễn Văn Hổ, Quản đốc Binh công xưởng 18, rồi đưa các con về sống cùng ông ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Ðất.
Sau Hiệp định Genève, ngày 20-7-1954, ông Hổ cùng người con trai lớn và em kế của chị Tư Ràng tập kết ra Bắc. Vì sợ địch trả thù nên từ cuối năm 1954, chị cùng mẹ, Sáu Mỳ và em út Bình Sơn phải phiêu bạt qua nhiều nơi. Với chiếc máy may Singer được mua từ số tiền dượng Hổ để lại, chị làm nghề may, phụ mẹ nuôi em…
Năm 1957, bốn mẹ con trở về Tri Tôn, sau đó chị Tư Ràng được chú ruột giới thiệu với Chi bộ Núi Dài. Ông Sáu Mỳ cho biết di ảnh chị Tư Ràng trên bia mộ là ảnh chụp khi chị vừa tròn 20 tuổi. Cũng từ đây, chị mang bí danh Tư Phùng.
Ðể tránh bọn địch truy tìm, chị Tư Phùng phải liên tục thay đổi địa bàn hoạt động ở vùng Hà Tiên, nhưng vẫn luôn mang theo em Sáu Mỳ và chiếc máy may. Cuối năm 1958, chị được điều về lại Bình Sơn làm công tác thanh vận và giao liên. Sau đó, chị được cử đi học lớp hộ sản, rồi được điều làm cán bộ phụ nữ huyện…
Tháng 1-1962, địch tập trung hơn 2.000 quân, mở chiến dịch dài ngày đánh vào vùng căn cứ Ba Hòn. Chị Tư Phùng vừa làm liên lạc giữa các đơn vị trong khu căn cứ vừa tổ chức vận động nhân dân đấu tranh, phối hợp với các hoạt động quân sự… khiến địch thất bại, phải bỏ dở trận càn.
Rạng sáng 9-1-1962, trên đường làm nhiệm vụ, cách điểm hẹn với đồng đội chưa đầy 50 m, chị Tư Phùng lọt vào ổ phục kích của địch và bị bắt. Trong đám lính địch có 2 tên chiêu hồi, là đại úy Khen (trung úy Xăm trong tiểu thuyết “Hòn Ðất”) và tên Tạo, chúng nhận ra chị là Tư Ràng.
Chúng treo chị Tư Ràng lên một cây me để tra tấn, bắt chị khai báo nơi trú ẩn của đồng đội và các cơ sở cách mạng. Không khai thác được gì, chúng đưa chị vào chân núi Hòn Ðất, treo chị lên cây xoài bằng chính mái tóc của chị, lấy cọc nhọn đâm khắp người, cắt tai, xẻo thịt…
Dù bị cực hình vô cùng man rợ, chị Tư Ràng không hề khai báo, van xin. Khoảng 2 giờ chiều 9-1-1962, chị hy sinh khi mới sang tuổi 25…
“Tao chết thì tụi bay cũng chết”
“Những người công tác chung với chị Tư Ràng và người dân Thổ Sơn kể khi bọn lính bắt được chị, chúng thay nhau tra tấn để hỏi chỗ ở của chị, ai lãnh đạo, chị quen biết, ở chung với bao nhiêu người… Chúng treo chị lên cây me, dùng báng súng đánh như đánh vào bịch trấu. Chị ngất thì chúng tạt nước xà phòng cho tỉnh rồi đánh tiếp.
Chị Tư Ràng không khai mà hét thẳng vào mặt bọn thằng Khen: “Tao chết thì tụi bay cũng chết!”, rồi chị trút hơi thở cuối cùng trong chiều hôm ấy. Khi chị hy sinh, chúng dùng chính mái tóc dài dày mượt của chị để treo lên cây suốt 3 – 4 ngày để chờ người ra lấy xác sẽ bắn. Cho đến bây giờ, người dân Thổ Sơn và đồng đội, đồng chí đều không cầm được nước mắt khi nhắc lại khoảnh khắc chị hy sinh” – ông Sáu Mỳ bùi ngùi nhớ lại.
Theo DUY NHÂN (Người Lao Động)