Cụ thể, tại khoản 6, Điều 7 về chính sách của Nhà nước đã quy định việc tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân nắm giữ và có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ nhân là người dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù trong việc phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy người kế cận.
Đánh giá tác động của đề xuất trên trong hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo nêu rõ, khác với di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể chỉ được biểu hiện, nhận diện thông qua thực hành và người thực hành, nghệ nhân. Quá trình thực hành gắn với bí quyết và kỹ năng của nghệ nhân, nên di sản văn hóa phi vật thể rất dễ biến đổi trong quá trình trao truyền và thực hành, đặc biệt là do tác động từ ngoại cảnh, không gian văn hóa liên quan. Trong khi đó, những biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Luật hiện hành chưa quy định cụ thể chính sách đối với những người nắm giữ, thực hành, trao truyền di sản để tạo được cơ chế khuyến khích mạnh mẽ đối với cá nhân, cộng đồng nắm giữ di sản trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…
Định hướng chính sách tại dự thảo Luật và dự thảo nghị định hướng dẫn kèm theo hồ sơ dự án Luật được các đại biểu Quốc hội đánh giá là đã phù hợp hơn, mạnh mẽ hơn, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể như mức hỗ trợ hàng tháng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian; chế độ mai táng phí, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với các nghệ nhân.
Cùng với các chế độ hỗ trợ về vật chất, về phong tặng các danh hiệu đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể, cũng cần lưu ý rằng, để di sản văn hóa phi vật thể được gìn giữ, trao truyền và phát huy, đem lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng thì chỉ riêng nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể thôi là chưa đủ. Không gian và môi trường “sống” của di sản văn hóa phi vật thể, nói cách khác là các chủ thể tham gia thực hành, gìn giữ và lan tỏa, trao truyền, tiếp nối những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống có vai trò hết sức quan trọng. Đã có không ít trường hợp, các nghệ nhân dù rất mong muốn trao truyền di sản văn hóa phi vật thể nhưng không có môi trường phù hợp để thực hành, cũng không thể tìm được người có thể tiếp nhận, sáng tạo và phát huy những giá trị di sản đó.
Ngay trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã đề cập một khái niệm “chủ thể di sản văn hóa phi vật thể là cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân kế thừa, sở hữu, nắm giữ và thực hành sáng tạo, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể theo cách phù hợp với nguyên tắc bản chất tự nhiên, giá trị của di sản và cộng đồng”. Như vậy, “chủ thể di sản văn hóa phi vật thể” ở đây rộng hơn, không chỉ là các nghệ nhân mà còn có cộng đồng, là nhóm người hoặc cá nhân khác kế thừa và sở hữu, nắm giữ, thực hành, sáng tạo và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể.
Việc tiếp tục có thêm các chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian được Nhà nước phong tặng là rất đúng và trúng. Như tại Bắc Ninh – một trong những địa phương tiên phong trong thực hiện các chính sách dành cho nghệ nhân với việc từ năm 2015 đã có Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức trợ cấp hàng tháng đối với nghệ nhân nhân dân bằng 2 lần mức lương cơ sở, với nghệ nhân ưu tú là 1,5 lần và với nghệ nhân do tỉnh phong tặng được hưởng 1 lần mức lương cơ sở; các nghệ nhân còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế và chế độ mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở như đối với cán bộ, công chức. Sau gần 10 năm thực hiện chính sách này, Bắc Ninh đã và đang phát huy được tài năng của các nghệ nhân, khuyến khích họ trao truyền, cống hiến, lan tỏa, giữ gìn và bảo tồn di sản.
Nhưng rõ ràng, cũng cần phải nghiên cứu, có các chính sách nhằm hỗ trợ các nghệ nhân, cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân khác dù chưa được trao tặng danh hiệu nào của Nhà nước nhưng trên thực tế họ đã và đang tham gia tích cực vào việc thực hành, trao truyền, tái tạo di sản, góp phần để di sản được thực hành hoàn chỉnh, làm cho “hồn cốt” của di sản được nối dài trong đời sống. Xét đến cùng, di sản văn hóa phi vật thể phải được đắm mình trong đời sống mới thực là di sản “sống”!
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/hon-cot-cua-di-san-van-hoa-phi-vat-the-i377224/