Ở nước ta 94% nguồn tạng hiến từ người cho sống, chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não. Điều này ngược lại với các nước phát triển là 40-90% tạng hiến từ người chết não.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bộ Y tế tổ chức chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức về hiến, ghép tạng từ người chết não.
Ở nước ta 94% nguồn tạng hiến từ người cho sống, chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não. Điều này ngược lại với các nước phát triển là 40-90% tạng hiến từ người chết não. |
TS.Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp và là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác.
Ở Việt Nam, có hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công và được cứu sống nhờ sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái. Tới đây, Bệnh viện sẽ thành lập ban tư vấn liên quan đến hiến tặng mô, tạng để tăng cơ hội cứu được nhiều người bệnh nặng đang chờ ghép.
Cũng theo TS.Nguyễn Văn Thường, Bệnh viện sẽ thành lập ban tư vấn liên quan đến hiến tặng mô, tạng để tăng cơ hội cứu được nhiều người bệnh nặng đang chờ ghép.
Tại chương trình đào tạo, PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã chia sẻ thực trạng hiến, ghép tạng trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến và ghép tạng, ghép mô từ người chết não là rất cao, từ 50% – 60% và thậm chí là hơn 90%, như Tây Ban Nha, Pháp, các nước Bắc Mỹ. Những nước lân cận Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan… cũng ghép tạng từ người chết não rất nhiều.
Còn ở Việt Nam thì số được ghép tạng hạn chế, đặc biệt là trong số người chết não, chỉ 0,15% (thống kê vào năm 2023), trong đó ghép tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức chiếm đến 95%.
Sau 32 năm ghép tạng, cả nước mới ghép được hơn 8.000 ca, trong 2 năm 2022 và 2023 thì số lượng ghép cao nhất, mỗi năm 1.000 ca (đứng đầu khu vực Đông Nam Á) nhưng danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài, mỗi ngày vẫn có rất nhiều người không có tạng để ghép.
Hiện cả nước chỉ có hơn 80.000 người đăng ký hiến tạng và số lượng hiến tạng để ghép chủ yếu từ người sống (chiếm 94 – 95%), số người chết não hiến tạng còn thấp.
Chính vì không có mô, tạng nên hiện có 26 cơ sở hoạt động ghép tạng, ghép mô kém hiệu quả, không đồng đều, ít đầu tư và không đúng.
Chỉ có khoảng 4 bệnh viện ghép trên 100 ca/năm, có nơi 1 tuần ghép 1 – 2 ca. Thực trạng hiện nay nhiều bệnh viện phải dừng ghép tạng, nguyên nhân không phải do không làm được mà là do không có tạng để ghép.
Theo PGS-TS Đồng Văn Hệ, hoạt động trong bệnh viện là chìa khóa thành công, nhất là hiệu quả của tổ tư vấn hiến tạng khi chết não. Xây dựng đội ngũ nhân viên y tế vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người là cấp thiết, vì không có nguồn thì không thể ghép.
Đặc biệt, vai trò của người tư vấn sau khi bệnh nhân chết não tại các khoa hồi sức, cấp cứu của bệnh viện. Bởi hằng năm có hàng ngàn người tử vong do tai nạn giao thông, nếu những người này hiến tạng, mô thì sẽ cứu được rất nhiều bệnh nhân cần ghép tạng, ghép mô.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, ca chết não hiến tạng đầu tiên ở nước ta vào tháng 5/ 2010 tại Bệnh viện Việt Đức.
Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm có từ 10-11 ca chết não hiến tạng tại nước ta. Riêng năm 2023 có 16 ca chết não hiến tạng. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 10 ca chết não hiến tạng.
Dù số ca chết não hiến tạng ở nước ta đã tăng lên nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam đang ở mức rất trầm trọng. Hiện mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam đã được xây dựng tại 68 bệnh viện, trong đó có 24 bệnh viện ở miền Bắc, 29 bệnh viện ở miền Nam, còn lại ở miền Trung.
Tuy nhiên, mạng lưới hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết thêm, Malaysia có 34 triệu dân nhưng có đến 156 bệnh viện tham gia vào mạng lưới vận động hiến mô, tạng.
Bệnh viện cũng đang tiếp tục mở rộng mạng lưới các bệnh viện tổ chức đăng ký hiến tặng mô, tạng và vận động hiến tặng mô, tạng với những trường hợp chết não, phấn đấu làm sao mở rộng càng nhiều càng tốt, để nâng số người đăng ký hiến tặng mô tạng và vận động người cho chết não.
Theo chuyên gia này để làm được điều đó cần phải tổ chức đào tạo, tập huấn cho chính nhân viên y tế trong bệnh viện. Khi nhân viên y tế hiểu đúng về khái niệm chết não, chết tim; thậm chí phát hiện chết não tiềm năng họ chắc chắn là cầu nối giữa gia đình người bệnh đến với các cơ sở cấy ghép mô, tạng.
Theo thống kê, từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2023, cả nước có 16 bệnh viện thí điểm mạng lưới tư vấn, có 33 gia đình đồng ý hiến tạng người bệnh chết não, nhưng chỉ có 16 ca hiến (17 ca không đủ điều kiện hiến do ngừng tim, nhiễm trùng…).
Còn hơn 400 bệnh viện trên toàn quốc chưa có mạng lưới tư vấn, mới chỉ vận động được 2 gia đình đồng ý hiến tạng, nhưng chỉ thực hiện được 1 ca.
Riêng trong 5 năm tháng đầu năm 2024, mạng lưới 68 bệnh viện vận động hiến tạng chết não đã thuyết phục được 35 gia đình đồng ý hiến tạng, trong đó thực hiện được 10 ca, 25 ca không đủ điều kiện hiến. Còn hơn 400 bệnh viện trên toàn quốc không vận động được bất kỳ ca chết não nào hiến tạng.
Thực tế này cho thấy, nếu không xây dựng mạng lưới bệnh viện thành lập tổ tư vấn vận động hiến tạng trên cả nước thì người bệnh được ghép tạng sẽ rất ít ỏi.
Cụ thể, tỷ lệ đồng ý hiến tạng ở Việt Nam còn rất thấp, như tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đạt 2%; các bệnh viện khác chưa có liệu thống kê; tỷ lệ tư vấn thành công 2% (tiếp cận và giải thích 100 trường hợp, 2 trường hợp đồng ý hiến).
Nguồn: https://baodautu.vn/hon-90-nguon-tang-hien-o-nuoc-ta-tu-nguoi-cho-song-d217990.html