(Dân trí) – Hội nghị DGICM là diễn đàn để các nước ASEAN bàn thảo những vấn đề cùng quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự.
Ngày 6/8, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, tổ chức họp báo thông báo việc đăng cai tổ chức Hội nghị những người đứng đầu cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự các nước ASEAN lần thứ 27 (Hội nghị DGICM 27).
Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, cho biết Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM 27 năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự trong khu vực ASEAN.
Theo Đại tá Việt, đây là cơ hội để Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà đăng cai tổ chức, thể hiện sự tích cực, chủ động và trách nhiệm khi là một nước thành viên DGICM, góp phần xây dựng một ASEAN thống nhất, đoàn kết, phát triển bền chặt và toàn diện trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự.
Hội nghị DGICM lần thứ 27 năm nay có chủ đề “An ninh toàn diện, tăng cường kết nối, hướng tới tương lai”.
Hội nghị tập trung giải quyết những vấn đề, thách thức trong quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự, nhằm xây dựng ngôi nhà chung ASEAN vững vàng trong mọi hoàn cảnh, thực hiện hiệu quả những nguyên tắc cơ bản, định hướng chung đã được ASEAN thống nhất và hiện thực hóa “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045”.
Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: X.M.).
Hội nghị DGICM 27 sẽ có những sáng kiến để trình lên Ban thư ký ASEAN.
Hội nghị DGICM được tổ chức ngày 12-16/8, ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tại họp báo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Đặng Tuấn Việt thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2024, lưu lượng nhập cảnh của người nước ngoài là hơn 8,8 triệu lượt, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023; cấp gần 1,5 triệu thị thực điện tử.
Về công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, 6 tháng đầu năm, lưu lượng công dân Việt Nam xuất cảnh tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Cục đã cấp hơn 1,3 triệu hộ chiếu cho công dân Việt Nam, trong đó tỷ lệ nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến là 97%.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã hoàn thiện các tính năng, tiện ích để nâng cao chất lượng cung cấp 38/40 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, dịch vụ công thiết yếu cấp hộ chiếu phổ thông đạt trên 80%; nhiều dịch vụ đạt tỷ lệ 100%.
Tuy nhiên quá trình triển khai còn gặp một số vướng mắc như một bộ phận người dân vẫn có thói quen nộp hồ sơ trực tiếp truyền thống; khả năng sử dụng máy tính, internet còn hạn chế… Bên cạnh đó, còn một số lỗi của Cổng dịch vụ công Bộ Công an chưa được khắc phục kịp thời.
Lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhấn mạnh, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an để tháo gỡ khó khăn vướng mắc; hoàn thiện tích năng tiện ích của dịch vụ công Bộ Công an để người dân và doanh nghiệp dễ thực hiện.
Hội nghị DGICM được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996. Đây là diễn đàn để các nước ASEAN bàn thảo những vấn đề cùng quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự.
Hội nghị cũng đưa ra các sáng kiến, biện pháp và cơ chế để tăng cường hợp tác xuất nhập cảnh trong và ngoài khối.
Việt Nam tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị DGICM từ năm 1997.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/hon-88-trieu-luot-khach-quoc-te-nhap-canh-viet-nam-6-thang-dau-nam-20240806133337518.htm