Trao đổi với PV Dân Việt, chị Trần Thị Thanh Trà, có con không đậu vào lớp 10 trường công lập (do bị điểm liệt) tại huyện Ea Kar (Đắk Lắk) cho biết, theo tìm hiểu của chị, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (TT GDTX) huyện Ea Kar chỉ tiêu có 45 em, mà số học sinh không đậu THPT công lập của huyện là gần 700 em. Hiện, gia đình cũng rất lo lắng khi mà không biết con mình sẽ đi đâu về đâu.
“Tới giờ danh sách trúng tuyển các trường THPT công lập vẫn chưa được công bố, mà chỉ tiêu các trường ngoài của huyện giờ đã đủ. Việc cho con đi học ở các thành phố lớn như TPHCM là ngoài khả năng của gia đình. Trong khi đó, các con còn quá nhỏ nếu phải đi học nghề trong khi bạn bè cùng trang lứa đi học phổ thông. Sẽ là thiệt thòi rất lớn. Nhiều ngày nay, tôi cùng rất nhiều gia đình đều không biết con mình sẽ đi đâu về đâu”, chị Trà nghẹn ngào nói.
Cũng có con không đậu THPT công lập, chị Nguyễn Thị Khánh Vy (huyện Ea H’leo) chia sẻ, hiện TT GDTX của huyện cũng đã đủ chỉ tiêu giờ không biết cho cháu học ở đâu.
“Các trường ngoài công lập học phí rất cao, gia đình sợ rằng sẽ không đủ khả năng để lo cho các cháu. Bên cạnh đó, việc các cháu còn rất nhỏ, nếu phải cho đi học ở xa nhà không có ai ở bên quan tâm cũng như quản lý cháu thì không biết sẽ như thế nào đây”, chị Vy buồn bã nói.
Cháu N.T.T.H, (một học sinh không đậu THPT công lập) ở huyện Ea Kar chia sẻ, từ lúc biết kết quả thi đến nay cháu rất buồn và lo lắng, theo như bố mẹ cháu nói thì tới đây gia đình sẽ phải xin cho cháu học tại trường Cao đẳng FPT Tây Nguyên. Tuy nhiên, kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn mà học phí, chi phí ăn ở là rất cao, cháu sợ bố mẹ sẽ không đủ sức lo cho cháu.
“Cháu rất buồn và hối hận vì quá chủ quan, lơ là việc học nên mới có kết quả như hiện tại. Bây giờ, cháu chẳng biết phải làm như thế nào, nếu như đi học tiếp thì rất vất vả cho bố mẹ, nhà còn 2 em đang học lớp 3 và lớp 6 nữa. Cháu đang suy nghĩ tới việc nghỉ học đi làm thuê để có thể phụ giúp bố mẹ chăm lo cho các em của mình nhưng bố mẹ không đồng ý”, cháu N.T.T.H, chia sẻ.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 28.000 học sinh đăng ký vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT) năm học 2024-2025.
Tuy nhiên, chỉ tiêu cho 53 trường THPT công lập trên địa bàn chỉ hơn 21.000 học sinh. Điều này đồng nghĩa có khoảng hơn 7.000 học sinh phải tìm những trường ngoài công lập để tiếp tục đi học.
Sáng 29/6, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, thông tin hơn 7.000 học sinh đã tốt nghiệp lớp 9 trên địa bàn nhưng không đậu THPT công lập là chính xác.
Hơn 7.000 học sinh không đậu trường THPT công lập ở Đắk Lắk sẽ đi về đâu? (Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk trao đổi với các phóng viên).
Theo ông Phạm Đăng Khoa, sau khi rà soát, số lượng học sinh này sẽ lựa chọn vào các trường THPT ngoài công lập, Trung tâm giáo thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp (TT GDTX – GDNN) tỉnh Đắk Lắk, TT GDTX – GDNN cấp huyện và các trường Trung cấp, Cao Đẳng nghề trong và ngoài tỉnh.
“Đây là một hướng mở cho những em học sinh không đạt vào lớp 10 của các trường THPT công lập. Những đơn vị ngoài công lập, trường nghề, TT GDTX nói trên đủ sức đón nhận hơn 7.000 học sinh còn lại”, ông Phạm Đăng Khoa cho biết.
Ông Lưu Tiến Quang, Phó Giám đốc Sở GDĐT Đắk Lắk cho biết, những em học sinh đã tốt nghiệp lớp 9 nhưng không đậu vào trường THPT công lập không cần phải lo lắng vì còn rất nhiều sự lựa chọn và không nhất thiết bằng mọi giá phải vào trường THPT công lập.
Theo ông Lưu Tiến Quang, ngoài những trường THPT ngoài công lập, TT GDTX GDNN thì còn rất nhiều trường Trung cấp, Cao Đẳng nghề đóng trên địa bàn và những nơi như TPHCM, Bình Dương…. Nếu các em học trường nghề sẽ rút ngắn thời gian lấy bằng đại học. Có nhiều trường Cao Đẳng nghề gắn với địa chỉ làm việc, khi ra trường có cả bằng nghề, công ăn việc làm với chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
“Chính vì còn rất nhiều lựa chọn nên các bậc phụ huynh không quá lo lắng mà phải có sự định hướng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để con em mình có một tương lai tốt nhất có thể”, ông Lưu Tiến Quang nói.
Nguồn: https://danviet.vn/hon-7000-hoc-sinh-khong-dau-truong-thpt-cong-lap-o-dak-lak-se-di-ve-dau-20240629101338553.htm