Hiện TP.HCM đang đứng ở vị trí thứ 100 so với các quốc gia trên thế giới về tỉ lệ điều dưỡng/10.000 dân, TP đề xuất nhiều giải pháp để ứng phó tình trạng thiếu hụt điều dưỡng.
Ngày 30-12, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động trọng tâm của ngành y tế TP năm 2025.
Báo cáo tại hội nghị, điều dưỡng Lữ Mộng Thùy Linh – phó trưởng phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM – cho hay tính đến thời điểm hiện nay trên thế giới có 28 triệu điều dưỡng, vẫn thiếu 10 triệu điều dưỡng so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân của toàn cầu.
Tại một số quốc gia phát triển như: Nhật Bản, Mỹ và những nước Liên minh châu Âu (EU) thiếu điều dưỡng nghiêm trọng dẫn đến những quốc gia này bắt buộc thay đổi luật cư trú để tuyển dụng điều dưỡng ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Điều dưỡng quốc tế thống kê sau đại dịch COVID-19 hơn 20% điều dưỡng đã nghỉ việc, dẫn đến thiếu điều dưỡng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hiện TP.HCM đứng vị trí thứ 100 so với những quốc gia khác trên thế giới về tỉ lệ điều dưỡng là 37,15 người/10.000 dân.
Một cuộc khảo sát của Sở Y tế mới đây tại các bệnh viện và trung tâm y tế cho thấy, đa số các điều dưỡng mới khi làm việc tại các bệnh viện thì có mức lương khởi điểm từ 5-10 triệu đồng (chiếm 66,5%).
Có khoảng 7% những điều dưỡng mới vào làm chỉ có mức lương khoảng dưới 5 triệu đồng, và tỉ lệ điều dưỡng vào làm có mức lương từ 10-15 triệu đồng chiếm 25,9%.
Chính điều này dẫn đến cái việc điều dưỡng làm việc tại các bệnh viện hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
Theo bà Linh hiện nay TP có 6 trường đại học có đào tạo về điều dưỡng, mỗi năm tốt nghiệp khoảng 1.800 điều dưỡng. Các mức học phí khác nhau, thấp nhất là 42 triệu đồng/năm, và cao nhất là khoảng 87 triệu đồng/năm.
Như vậy, trung bình một sinh viên điều dưỡng vào học sẽ tốn khoảng từ 5-10 triệu đồng/tháng và ròng rã suốt 4 năm, mức này bằng với mức lương mà điều dưỡng mới vào bệnh viện làm.
“Một điều dưỡng mới khi vào bệnh viện sẽ làm trong vòng 4 năm mới có thể đủ chi phí để bù lại phần học phí đã bỏ ra nếu không phải chi tiêu gì cả.
Dẫn đến việc khó khăn trong tuyển sinh điều dưỡng tại các trường đại học trong những năm gần đây”, bà Linh nói.
Sở Y tế TP đề xuất thí điểm mô hình trợ lý điều dưỡng, trợ thủ nha khoa để hỗ trợ cho điều dưỡng trong những công tác chăm sóc người bệnh.
Việc này nhằm giảm tải khối lượng công việc cho điều dưỡng để điều dưỡng có thể tập trung những kỹ thuật chuyên sâu cho người bệnh.
Ngoài ra, TP cần bổ sung những chính sách kinh phí để thu hút sinh viên đến với ngành điều dưỡng.
Năm 2025 tiếp tục khởi động 35 dự án ngành y tế
Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Phước Lộc – phó bí thư Thành Ủy TP.HCM – đánh giá cao và bày tỏ sự vui mừng, tự hào về sự nỗ lực của ngành y tế TP trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong năm 2024, nhiều bệnh viện đạt được những thành tích xuất sắc, có nhiều giải thưởng lớn, đồng thời TP cũng đã triển khai nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe người dân, y tế dự phòng góp phần vào phát triển y tế chuyên sâu.
Phó bí thư Thành ủy mong muốn ngành y tế tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 như: thực hiện đầu tư công, khởi động 35 dự án với tổng kinh phí hơn 13.700 tỉ đồng…
Đồng thời, Sở Y tế cần nghiên cứu bao phủ toàn diện hơn với cụm y tế Tân Kiên, phía đông nam như: Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7, quận 8 phải có bệnh viện hạng 1.
Nghiên cứu mô hình Trung tâm Cấp cứu 115 có mạng lưới cấp cứu gắn liền với cơ sở điều trị cấp cứu hướng đến khách quốc tế…
Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-65-dieu-duong-moi-tai-tp-hcm-co-thu-nhap-tu-5-10-trieu-dong-thang-20241230102253714.htm