SGGPO
Sáng 2-12, tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), hơn 600 học sinh đến từ 26 trường tiểu học và 13 trường THCS trên địa bàn quận Tân Bình đã tham gia Ngày hội Khoa học kỹ thuật năm học 2023-2024 do Phòng GD-ĐT quận Tân Bình phối hợp với các đơn vị đồng hành tổ chức.
Sân chơi giao lưu, học hỏi
Phát biểu tại ngày hội, ông Phan Văn Quang, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết, Ngày hội Khoa học kỹ thuật được tổ chức hàng năm nhằm đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học, đồng thời đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, qua đó tạo sân chơi cho các em giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm, khơi gợi đam mê nghiên cứu khoa học.
Học sinh hào hứng tham quan các sản phẩm trưng bày tại ngày hội |
Năm nay, ở bậc THCS, toàn quận có 52 sản phẩm tham dự cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quận, từ đó chọn ra 22 sản phẩm xuất sắc nhất dự thi cấp thành phố. Kết quả, có 2/22 dự án tiếp tục lọt vào vòng chung kết quốc gia.
Trao giấy khen cho các đề tài xuất sắc nhất tại cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp quận |
Ngoài việc giới thiệu và trưng bày các dự án nghiên cứu khoa học ở bậc THCS, điểm thu hút của Ngày hội Khoa học kỹ thuật năm nay là có sự góp mặt của các sản phẩm nghiên cứu khoa học đến từ các trường tiểu học trên địa bàn quận.
Đại diện Phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết, việc giới thiệu, trưng bày các sản phẩm nghiên cứu khoa học sẽ giúp học sinh có thêm trải nghiệm ban đầu bổ ích, qua đó phát triển tư duy sáng tạo và khả năng học hỏi, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh theo đúng mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Nâng cao ứng dụng vào thực tiễn đời sống
Là một trong các dự án nghiên cứu được đánh giá cao tại ngày hội, dự án “Chế tạo tường cách nhiệt từ vật liệu tái chế” của nhóm học sinh đến từ Trường THCS Nguyễn Gia Thiều mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người xem.
Nguyễn Trí Tân, học sinh lớp 9/3, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều – một trong hai học sinh tham gia thực hiện dự án nói trên cho biết, việc tham gia nghiên cứu khoa học giúp em trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, phản biện, thỏa đam mê đối với lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Thầy Nguyễn Văn Thảo, Khối trưởng Khoa học tự nhiên khối 8, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều chia sẻ, quá trình thực hiện dự án giúp thầy và trò hoàn thiện hơn các kỹ năng và phương pháp nghiên cứu khoa học, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh một cách hiệu quả.
Tương tự, với Nguyễn Sơn Bình Minh, học sinh lớp 8A6, Trường THCS Hoàng Hoa Thám, dự án “Nghiên cứu tách collagen từ vảy cá và các ứng dụng vào đời sống” giúp em và các bạn trong nhóm nghiên cứu tìm ra cách tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ đi để tạo ra các sản phẩm hữu ích trong đời sống.
Đề tài “Nghiên cứu tách collagen từ vảy cá và các ứng dụng vào đời sống” của học sinh Trường THCS Hoàng Hoa Thám |
Riêng với Đăng Khoa, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, dự án “Chế tạo nhà sử dụng pin năng lượng mặt trời” giúp em có thêm động lực tìm hiểu kiến thức các bộ môn khoa học tự nhiên, qua đó chế tạo ra sản phẩm để giúp ích cho đời sống con người.
Đặc biệt, ở khu vực trưng bày các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các trường tiểu học, đề tài “Chế tạo xe phản lực và thuyền chạy bằng dây chun” của nhóm học sinh đến từ Trường Tiểu học Thân Nhân Trung thu hút khá đông sự quan tâm của người xem.
Dự án “Chế tạo xe phản lực và thuyền chạy bằng dây chun” của nhóm học sinh đến từ Trường Tiểu học Thân Nhân Trung |
Phạm Trần Hiền Anh, học sinh lớp 3/5, Trường Tiểu học Thân Nhân Trung hào hứng cho biết: “Con thích các hoạt động nghiên cứu khoa học vì giúp con phát triển khả năng sáng tạo. Khi tạo ra được sản phẩm, con vui và tự hào, muốn giới thiệu cho nhiều người biết về những ứng dụng của kiến thức vào đời sống”.
Với Nguyễn Đỗ Tường Vy, học sinh lớp 5/2, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Kịp, việc tham gia nghiên cứu khoa học giúp học sinh này yêu thích hơn các môn khoa học tự nhiên, từ đó chủ động tìm hiểu kiến thức, cảm thấy việc học rất bổ ích chứ không ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, nặng nề.