Hơn 50 năm giữ phong tục dựng cây nêu ngày tết

Báo Thanh niênBáo Thanh niên29/01/2025


Tết năm nào cũng vậy, nếu đi qua tuyến đường quê thuộc ấp Long Quới 2, nhiều người sẽ thấy cây nêu cao hơn chục mét, với 2 dãy câu đối đỏ nổi bật trong sân nhà ông Huỳnh Công Lý, tên thường gọi là Hai Lý.

Hơn 50 năm giữ phong tục dựng cây nêu ngày tết- Ảnh 1.

Cây nêu được gia đình ông Huỳnh Công Lý treo thêm câu đối tết để thêm phần lung linh, tràn ngập không khí tết

Ông Lý chia sẻ: "Từ trước ngày thống nhất đất nước, gia đình tôi đã dựng cây nêu theo truyền thống của ông bà và duy trì xuyên suốt cho đến nay. Theo người xưa, ngày tết phải dựng cây nêu để xua đuổi yêu ma, cầu cho năm mới thuận lợi, mùa màng tươi tốt. Trước đây, nhiều gia đình trong xã Long Điền B cũng dựng cây nêu ngày tết, nhưng qua thời gian, chỉ còn mình tôi giữ gìn phong tục này".

Hồi ở quê chưa có điện, ông Lý dựng cây nêu thấp và đơn giản trước nhà, gồm: trầu, cau và "bùa nêu" xua đuổi tà ma. Từ khi điện về nông thôn, ông dựng cây nêu cao hơn chục mét, treo thêm đôi liễn, gắn đèn chớp để ban đêm lung linh hơn. Từ rất xa, nhìn thấy đôi liễn và đèn chớp sáng nổi bật giữa góc quê, nhiều người nhận biết ngay đó là nhà ông Lý.

Theo ông Lý, việc chọn cây tre để dựng nêu rất quan trọng. Phải chọn tre già, cao từ 10 m trở lên, thân tre thẳng, suôn, phần ngọn vót cong, chỉ để một ít nhánh và lá xum xuê ở ngọn. Cây tre dựng nêu là biểu trưng cho sự vững chắc, cầu mong mọi người cả năm làm ăn suôn sẻ, phát triển thuận buồm xuôi gió. Thường thì dựng nêu từ 28 tết, đến mùng 7 tết hạ xuống, mất hơn 1 tuần.

Hơn 50 năm giữ phong tục dựng cây nêu ngày tết- Ảnh 2.

Cây nêu ngày tết của gia đình ông Huỳnh Công Lý

Hơn 50 năm giữ phong tục dựng cây nêu ngày tết- Ảnh 3.

Ông Huỳnh Công Lý (phải) và gia đình duy trì dựng cây nêu ngày tết suốt hơn 50 năm

Trước khi dựng cây nêu, gia đình ông Hai Lý chuẩn bị chè, mâm ngũ quả, trầu cau, nhang đèn và đôi liễn có câu đối tết để cúng trời đất, ông bà. Thắp nhang xong, gia đình treo trầu cau, câu đối lên ngọn tre rồi đào hố trước sân nhà để dựng nêu. Để cây vững vàng trước gió, ông dùng tre kiềng phần gốc để cố định.

"Ca dao thường có câu: Cu kêu ba tiếng cu kêu/Trông mau tới tết dựng nêu ăn chè, nên trước đây khi dựng nêu thì gia đình tôi nấu chè trôi nước cúng theo truyền thống. Tuy nhiên, bây giờ mình phải thay đổi để thích nghi. Chè có thể mua ở chợ và loại chè khác cũng được chứ không nhất thiết phải chè trôi nước, miễn sao mình thành tâm là được. Đây là phong tục truyền thống nên tôi luôn căn dặn con cháu sau này phải tiếp tục dựng cây nêu ngày tết cổ truyền, giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp này", ông Lý chia sẻ.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, cây nêu được coi là biểu trưng của vũ trụ nối kết cõi đất, cõi người và cõi trời. Chính vì vậy, cây nêu cũng được coi là trục của thế giới, làm trung tâm, vì nhờ nó mà thiết lập quan hệ trời - đất. Theo phong tục, trước đây cứ đến tết, nhà nhà đều dựng cây nêu trước sân, đến mùng 7 âm lịch thì hạ nêu.

Về sự tích "Cây nêu ngày tết ở Việt Nam", ông Huỳnh Ngọc Trảng kể thuở xưa, khi quỷ chiếm đoạt toàn bộ cõi đất, Đức Phật đã dùng bóng của một chiếc áo cà sa che kín cõi đất để giúp con người đuổi quỷ đi. Tuy nhiên, hằng năm, cứ đến gần ngày Tết Nguyên đán, quỷ lại tìm cách trở về vùng đất xưa. Để đuổi quỷ không bén mảng đến chỗ con người, người ta trồng cây nêu. Do tiến trình lịch sử và ảnh hưởng của tôn giáo nên cây nêu được treo các linh vật, bùa chú nhằm trừ khử tà ma vào thời khắc chuyển đổi năm cũ sang năm mới.



Nguồn: https://thanhnien.vn/hon-50-nam-giu-phong-tuc-dung-cay-neu-ngay-tet-185250106170201652.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available