Qua đợt khám sức khỏe người cao tuổi của TP.HCM năm 2024, có đến hơn 49.000 người cao tuổi lần đầu phát hiện mình mắc tăng huyết áp.
Từ việc triển khai kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 – 2025 và những năm tiếp theo, Sở Y tế TP.HCM cho hay từ tháng 1-2024 đến tháng 12-2024, tổng số người cao tuổi tại TP là 1,1 triệu người, trong đó có 327.552 người đã được khám sức khỏe (chiếm 29,5%).
Các bệnh đã được chẩn đoán trước đó ở người cao tuổi gồm: 46,5% người mắc tăng huyết áp (152.504 người), 17,1% mắc đái tháo đường (55.891 người), 0,9% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) với 2.824 người…
Các bệnh được chẩn đoán xác định khi khám sức khỏe bao gồm: 10,21% người mắc tăng huyết áp, tương đương 49.007 người, 0,02% người mắc đái tháo đường, tương đương 84 người.
Như vậy qua thăm khám sức khỏe cho khoảng 320.000 người cao tuổi, TP đang quản lý hơn 200.000 người tăng huyết áp, hơn 56.000 người mắc đái tháo đường…
ThS Lữ Mộng Thùy Linh – phó trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM – cho hay qua đợt khám sức khỏe đã phát hiện thêm khoảng 10%, tức là hơn 49.000 người cao tuổi chưa từng biết họ bị tăng huyết áp.
“Như vậy nếu khám hết tổng cộng hơn 1 triệu người cao tuổi trên địa bàn, sẽ có khoảng 110.000 người cao tuổi mắc tăng huyết áp nhưng chưa biết”, bác sĩ Linh nói.
Theo bác sĩ Linh, một vấn đề đáng lo ngại khác là trầm cảm và lo âu ở người cao tuổi, đặc biệt là ở những người trên 80 tuổi có tỉ lệ trầm cảm gấp ba lần so với nhóm từ 60-69 tuổi.
“Đây là một chỉ báo về sự cần thiết phải có những chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, không chỉ bao gồm điều trị bệnh mà còn phải chăm sóc về mặt tinh thần cho người cao tuổi”, bà Linh thông tin.
Bác sĩ Nguyễn Thái Yên, phó khoa tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết hiện nay bệnh tăng huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa.
Những yếu tố nguy cơ hiện nay làm gia tăng số người mắc tăng huyết áp như do lối sống tĩnh lại, lười vận động, ăn uống không lành mạnh, béo phì, rượu bia, thuốc lá, căng thẳng, thói quen ăn mặn…
Nếu tăng huyết áp không được phát hiện và điều trị kịp thời, đây là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra một số bệnh lý sau này, đặc biệt là bệnh lý mạch vành (động mạch nuôi dưỡng tim).
Chi 150 tỉ đồng mỗi năm khám sức khỏe cho người cao tuổi
Kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), giai đoạn 2024 – 2025 được Sở Y tế trình UBND TP.HCM ban hành vào tháng 7-2023.
Theo đó, TP.HCM dự kiến chi gần 150 tỉ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm “đánh chặn” bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.
Đây là bước đi được dư luận, chuyên gia đánh giá là hoàn toàn phù hợp khi TP.HCM có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-49-000-nguoi-cao-tuoi-tai-tp-hcm-tang-huyet-ap-nhung-khong-biet-2024121116343167.htm