TPO – Sáng sớm ngày 8/8, nhiều người dân đã có mặt tại các ga tàu để lấy vé, trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị số Nhổn – Ga Hà Nội sau 14 năm chờ đợi. Đến 10h sáng nay, Công ty vận hành Hanoi Metro đã có thông tin nhanh về số lượng khách đi tàu trong 2 giờ đầu tiên vận hành.
Đến để “xóa” đi sự hụt hẫng
Có mặt từ 7 giờ sáng, bà Phùng Thị Thu (67 tuổi, Sơn Tây) cùng 5 người bạn di chuyển tới Nhổn để được là những người đầu tiên trải nghiệm đi đường sắt trên cao.
Bà cho biết: “Được biết nay là ngày đầu tiên tàu chạy nên từ đêm qua chúng tôi đã háo hức rủ nhau đi thử. Gần 6 giờ tôi đã bắt xe buýt từ Sơn Tây để xuống đây. Lần đầu được đi tàu như thế này nên chúng tôi háo hức và hồi hộp, cảm giác rất đặc biệt”.
Nhiều người dân xếp hàng để trải nghiệm trong ngày đầu tiên tuyến metro vận hành thương mại. |
Trong khi đó, nhiều người sinh sống tại gần các ga của tuyến đường sắt cũng không khỏi vui mừng khi chờ được tuyến đường đi vào vận hành sau hơn 1 thập kỷ.
Chị Trâm Anh (40 tuổi, Cầu Diễn) thường hàng ngày di chuyển lộ trình tới Kim Mã. Với lộ trình đi dọc theo tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, chị Trâm Anh muốn được trải nghiệm trong ngày đầu tiên vận hành để sắp tới có thể thay đổi phương tiện đi làm.
Người dân thích thú check-in, trải nghiệm tuyến metro. |
“Nhiều lần tưởng được đi tàu nhưng lại hoãn nên cũng có phần hụt hẫng, nay thì chính thức tàu chạy rồi tôi đã đến để xóa đi cảm giác đó. Đợi dự án lâu như vậy nhưng nay được đi trên con tàu khang trang, hiện đại như vậy tôi thấy xứng đáng. Tàu chạy ổn định và việc đón tiếp khách lịch sự, hợp lý… Tuyến đường sẽ giúp tôi cũng như nhiều người dân có thể đi lại thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian và bảo vệ môi trường”, chị Trâm Anh chia sẻ.
Chu Hải Yến, sinh viên năm tư tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thường di chuyển từ trường về nhà tại Ba Vì. Thường xuyên đi tuyến buýt 92 và 32, Yến thường mất rất nhiều thời gian khi di chuyển qua đoạn từ Nhổn đến trường do tắc đường. Khi biết thông tin về tuyến đường sắt di chuyển chưa tới 10 phút, Yến quyết định dành thời gian đi từ ga Đại học Quốc gia tới Nhổn để trải nghiệm.
Yến cho biết: “Thường xuyên di chuyển bằng phương tiện công cộng nên khi tuyến đường sắt này được chạy mình có thêm loại phương tiện để đi lại. Từ việc có thể mua vé tự động, quẹt thẻ ở điểm ra/vào… người trẻ như mình thấy rất hiện đại, tiện lợi và tiết kiệm chi phí. Tàu di chuyển nhanh và khá êm, trong thời gian tới mình sẽ thường xuyên đi tàu để về quê tiện hơn. Mình từng đi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông rồi và mỗi tàu lại cho mình những trải nghiệm đặc biệt
Trải nghiệm khác biệt
Chia sẻ về ngày đầu tiên tuyến metro vận hành thương mại, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, nhiều người dân tò mò để trải nghiệm nên lượng khách đến các ga trong ngày đầu tiên rất đông, có những người chờ từ trước khi tàu chạy 1 – 2 tiếng.
“Theo số liệu cập nhật, sau 1 tiếng đón khách, đến 9h đơn vị đã có 2.119 hành khách đi trải nghiệm, đến 10h số hành khách đã gấp đôi lên tới 4.670 hành khách. Hiện nay khách đi về lan tỏa cho bạn bè, người thân cho nên khách đến càng đông và đấy chính là niềm vui lớn của chúng tôi”, ông Trường chia sẻ.
Thực tế, nhiều người dân tới trải nghiệm và thấy rõ ràng sự khác biệt giữa hai tuyến metro đang vận hành tại Hà Nội. Cụ thể, tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội có nhiều điểm khác biệt so với tuyến metro Cát Linh – Hà Đông ngoài những điểm giống nhau về giá vé và quy định vé tháng.
Thứ nhất, cả hai tuyến đều có 4 toa. Metro Cát Linh – Hà Đông có sức chứa 960 hành khách, bao gồm cả hành khách ngồi và hành khách đứng (tỷ lệ ghế ngồi là 144/960, chiếm 15%). Còn tuyến Nhổn – ga Hà Nội tàu có sức chứa 944 hành khách, bao gồm cả hành khách đứng và hành khách ngồi (tỷ lệ ghế ngồi là 94/944, chiếm 10%).
Thứ hai, so với tàu Cát Linh – Hà Đông, tàu đường sắt tuyến Nhổn – ga Hà Nội có tốc độ và tính năng gia tốc lớn hơn. Vì có tốc độ lớn hơn nên bắt đầu khởi hành sẽ hơi giật so với tuyến tàu trước đây.
Bên cạnh đó, trong quy trình công tác, tại tuyến Nhổn – Ga Hà Nội tới mỗi bến lái tàu phải xuống đi ra một lần (vừa để quan sát an toàn vừa nhằm chống ngủ gật). Tàu metro Nhổn – ga Hà Nội có nút chống ngủ gật và camera nên lái tàu không phải rời vị trí khi tàu đến ga.
“Về hệ thống thu soát vé tự động, tuyến Cát Linh – Hà Đông chỉ bố trí một bên nhưng ở metro Nhổn – ga Hà Nội, khu vực bán vé được bố trí cả hai bên. Đặc biệt vé ở tuyến Nhổn – ga Hà Nội có nhận dạng khách hàng. Việc này giúp hạn chế tình huống cho người khác mượn vé. Đây cũng là điểm khác biệt, cũng là ưu điểm của hệ thống này”, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết.
Nguồn: https://tienphong.vn/hon-4670-nguoi-da-di-tau-nhon-ga-ha-noi-trong-2-gio-dau-tien-lan-banh-post1661952.tpo