Trao đổi với Báo Giao thông, Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, ngày đầu tiên chạy thương mại ước khoảng 35.000 lượt khách tham gia trải nghiệm tàu điện đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội. Toàn bộ các chuyến tàu được vận hành đảm bảo an toàn.
Để phục vụ vận hành các đoàn tàu, trong ngày 8/8, cả chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và đơn vị vận hành đã huy động hơn 300 nhân lực gồm cán bộ, kỹ sư, nhân viên lái tàu, nhân viên điều phối tại 8 ga của đoạn trên cao hướng dẫn, phục vụ người dân tiếp cận ga, lên tàu.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, với khả năng vận chuyển mỗi giờ được từ 15.000 đến 20.000 khách, nếu đường sắt Nhổn – ga Hà Nội hoạt động hết công suất sẽ giảm được lượng lớn xe cá nhân di chuyển trên trục đường QL32 từ Cầu Giấy đi Nhổn.
Theo ông Trường, khi chưa có tàu Cát Linh – Hà Đông thì trên tuyến đường QL6 từ Ngã Tư Sở đi Yên Nghĩa dài 10 km thường xuyên ùn tắc và có đến từ 5 – 7 điểm thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Tuy nhiên, từ khi tàu Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, từ năm 2021 đến nay liên ngành Sở GTVT – Công an đã thông báo các điểm ùn tắc tại đây liên tục giảm.
Tất nhiên, việc giảm xe cá nhân, giảm các điểm ùn tắc cần nhiều giải pháp, tuy nhiên việc mỗi giờ, nhất là thời gian cao điểm tàu Cát Linh – Hà Đông chở được hàng nghìn khách thì số lượng xe cá nhân và người đi trên trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Hà Đông sẽ giảm đi nhiều.
Cùng với đó, với chiều dài 13 km, vào giờ cao điểm từ Cát Linh đi bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) và ngược lại nếu đi ô tô, xe máy phải hết từ 45 phút đến 1 giờ, nhưng nếu di chuyển trên tàu điện thì chỉ hơn 20 phút, hành trình này vận chuyển luôn ổn định, đúng giờ và không bị phụ thuộc vào tình hình giao thông trên các tuyến phố, thời tiết.
Đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy, bao gồm 8 ga: Nhổn (S1); Minh Khai (S2); Phú Diễn (S3); Cầu Diễn (S4); Lê Đức Thọ (S5); Đại Học Quốc Gia (S6); Chùa Hà (S7); Cầu Giấy (S8).
Trong 3 tháng đầu, metro mở tuyến lúc 5h30 và đóng tuyến lúc 22h. Thời gian chạy tàu đều đặn 10 phút/chuyến. Trong thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.
Về giá vé: Vé lượt (vé chặng), hành khách đi một ga 8.000 đồng và đi cả tuyến 12.000 đồng/lượt. Vé ngày giá 24.000 đồng, hành khách được đi trong ngày và không hạn chế số lượt. Vé tháng hạng phổ thông 200.000 đồng/tháng, học sinh, sinh viên là 100.000 đồng/tháng. Vé tập thể: 140.000 đồng/tháng.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven Thủ đô vào sâu trong nội thành, khi khai thác sẽ giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.
Đối với hệ thống giao thông kết nối, dọc trục tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội có 36 tuyến buýt đang hoạt động. Trong đó, có 33 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá.
Ngoài ra, trên tuyến cũng có 2 điểm trung chuyển khách tại Cầu Giấy và Nhổn, 32 điểm dừng xe buýt ở cả 2 chiều.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hon-35-nghin-hanh-khach-trai-nghiem-metro-nhon-ga-ha-noi-192240809091356719.htm