(NLĐO)- Gần 36.000 phòng học, hơn 1.200 phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư, nâng cấp kiên cố hóa với kinh phí gần 33.000 tỉ đồng từ xã hội hóa
Hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 25-10 tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Lê Thành Long.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá 10 năm qua, công tác xã hội hóa có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Diện mạo của nhiều ngôi trường được thay đổi đáng kể, từ lớp học tạm bợ nay được thay thế bằng những phòng học kiên cố, an toàn và tiện nghi hơn. Các nhà công vụ dành cho giáo viên cũng được đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến.
Đã có trên 300 tổ chức, cá nhân đã tham gia đầu tư, nâng cấp kiên cố hóa được gần 36.000 phòng học, hơn 1.200 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí gần 33.000 tỉ đồng. Tỉ lệ phòng học kiên cố hóa trong cả nước đã tăng từ 66% lên 86,6%.
Nhấn mạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhận định vẫn còn nhiều thách thức, điều kiện học tập, làm việc của học sinh, giáo viên ở nhiều nơi chưa bảo đảm đầy đủ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục; trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên, đồng thời, cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đối với UBND các tỉnh, thành, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số.
Đồng thời, các địa phương cần bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo, phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả các tiểu dự án liên quan đến giáo dục đào tạo trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở khu vực khó khăn.
“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Tôi đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em của chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước”- Phó Thủ tướng bày tỏ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh kiên cố hóa trường học, xét về ý nghĩa nhiều mặt, nó không chỉ kiên cố hóa cho những ngôi trường, phòng học mà nó còn công dụng “kiên cố hóa” đối với thiện tâm tốt lành và cái đẹp trong tinh thần con người.
Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm hướng tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Bộ cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này.
Nguồn: https://nld.com.vn/hon-300-to-chuc-ca-nhan-dau-tu-33000-ti-dong-kien-co-hoa-truong-hoc-196241025163755744.htm